Ngày 15/10/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nội dung/mục tiêu đề ra trong chiến lược là: Bóng đá nam nằm trong top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; Bóng đá nữ trong top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.
Không nghi ngờ gì, đây là một chiến lược đầy tham vọng và mang tính toàn diện. Với mục tiêu xây dựng nền thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp, Việt Nam đang đặt ra một tầm nhìn dài hạn để nâng tầm vị thế của mình trên bản đồ thể thao châu Á và thế giới. Trong bối cảnh đó, bóng đá - với vai trò là môn thể thao số 1 tại Việt Nam - chắc chắn sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc hiện thực hóa những mục tiêu đầy thách thức này.
Trên thực tế, mục tiêu của bóng đá nam nằm trong top 8 châu Á... không mới, chỉ là, nhấn mạnh lại mục tiêu đề ra trong “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành ngày 08/3/2013:
Giai đoạn 2012 - 2020: Đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 1 - 2 lần); bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á; bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia mạnh khu vực châu Á.
Giai đoạn 2021 - 2030: Bóng đá nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có trình độ bóng đá hàng đầu ở khu vực châu Á. Bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia hàng đầu khu vực châu Á.
Nhưng, có thêm những mục tiêu giành vé dự World Cup, trong bối cảnh mới: bóng đá nữ thực tế đã tham dự World Cup, bóng đá futsal đã 2 lần có vé tới World Cup, và FIFA vừa thông qua đề án mở rộng số lượng đội dự World Cup từ 2026 (trong đó số lượng đội đại diện châu Á tăng lên rõ rệt).
Tuy nhiên, con đường phía trước không hề trải hoa hồng mà rất nhiều chông gai.
Đầu tiên bóng đá Việt Nam cần vượt qua thách thức về nhân lực. Chúng ta cần một lực lượng cầu thủ đông đảo, chất lượng và được đào tạo bài bản từ lứa trẻ; Thứ hai là cơ sở vật chất. Các sân vận động, trung tâm huấn luyện cần được nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; Thứ ba là vấn đề tài chính. Cần có sự đầu tư mạnh mẽ từ cả khu vực nhà nước và tư nhân để tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
Trước mắt cần xây dựng một hệ thống đào tạo trẻ chuyên nghiệp và hiệu quả. Các học viện bóng đá trẻ cần được đầu tư mạnh mẽ, với sự hợp tác chặt chẽ giữa các câu lạc bộ, liên đoàn và các đối tác quốc tế.
Việc tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế từ các đối tác thân thiện như LĐBĐ Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Đức..., cũng như học hỏi các mô hình đào tạo cầu thủ trẻ thành công trên thế giới, như La Masia của Barcelona hay Ajax Academy (cấp CLB) và Clairefontaine (cấp ĐTQG).
Tiếp theo, cần nâng cao chất lượng giải đấu trong nước. V-League cần trở thành một sân chơi chuyên nghiệp, hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ và các nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi sự cải thiện về mặt tổ chức, truyền thông và cả chất lượng chuyên môn. Các câu lạc bộ cần được khuyến khích đầu tư vào cơ sở vật chất, phát triển thương hiệu và xây dựng lực lượng cổ động viên trung thành.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo huấn luyện viên cũng cần được chú trọng. Chúng ta cần một đội ngũ HLV chất lượng cao, am hiểu về chiến thuật hiện đại và có khả năng phát triển tài năng trẻ. Việc gửi các HLV đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài cần được thực hiện thường xuyên và có hệ thống.
Không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong việc nâng cao thành tích thể thao. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong phân tích dữ liệu, đánh giá thể lực, phục hồi chấn thương cần được đẩy mạnh. Các trung tâm huấn luyện hiện đại với trang thiết bị tối tân sẽ giúp các cầu thủ của chúng ta có thể cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ hàng đầu châu lục.
Và để thực hiện được những mục tiêu đề ra, cũng như triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu, vấn đề tài chính và đầu tư là vô cùng quan trọng. Bên cạnh nguồn đầu tư từ nhà nước, xu hướng xã hội hóa thể thao đã vươn lên mạnh mẽ trong 2 thập niên qua. Tuy nhiên, các nhà quản lý và chuyên gia tư vấn đã đến lúc cần phải đặt lên bàn nghị sự Chương trình hành động triển khai “Đề án thí điểm đặt cược thể thao” - vốn được nêu lên từ 2010 - để chủ động nguồn thu, đầu tư và tái đầu tư cho phát triển thể thao nói chung, bóng đá nói riêng.
Cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất, chúng ta cần xây dựng một văn hóa bóng đá lành mạnh, chuyên nghiệp. Điều này bao gồm việc đề cao tinh thần fair-play, xóa bỏ nạn tiêu cực, và tạo ra một môi trường thi đấu trong sạch. Sự ủng hộ nhiệt thành nhưng văn minh của người hâm mộ sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nước nhà.