Lần đầu tiên tính từ năm 2017, thời điểm HLV Mai Đức Chung trở lại băng ghế chỉ đạo, tuyển nữ Việt Nam mới nằm ngoài một trong ba vị trí dẫn đầu ở một giải đấu thuộc tầm khu vực Đông Nam Á. Thất bại ở AFF Cup 2022 là cú sốc với đội nữ, trong bối cảnh toàn đội đang là đương kim vô địch giải đấu và trước đó giành vé tới World Cup 2023.

Ba năm qua, bóng đá nữ Đông Nam Á có 3 giải lớn là AFF Cup 2019, SEA Games 30 và SEA Games 31, tuyển nữ Việt Nam đều vô địch. Tại SEA Games 31, thầy trò HLV Mai Đức Chung đánh bại cả 3 đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Philippines, Thái Lan và Myanmar để bảo vệ ngôi hậu khu vực.Những chiến công trong thời gian qua của "Những cô gái kim cương" giúp HLV Mai Đức Chung tự tin với thực lực của toàn đội.

Nhà cầm quân 71 tuổi cho biết "Mục tiêu lần này của chúng tôi cố gắng bảo vệ thành quả ngôi vô địch tại đấu trường Đông Nam Á lần này, sau lần cuối vô địch vào tháng 7/2019 tại Thái Lan. Đến giờ, chúng ta đã giành vé tham dự World Cup và giành huy chương Vàng SEA Games một lần nữa. Chúng ta vẫn quyết tâm bảo vệ ngôi vô địch tại giải Đông Nam Á. Mỗi lần sẽ có những khó khăn khác nhau, rõ ràng lần này chúng ta sẽ phải tranh chấp quyết liệt với Philippines, đây là đối tượng giành vé trực tiếp vào World Cup và sân bãi thì là sân cỏ nhân tạo."

Lường trước những khó khăn, nên ở giải đấu này HLV Mai Đức Chung xoay tua lực lượng, trao cơ hội cho nhiều cầu thủ trẻ để tích lũy kinh nghiệm cũng như giữ sức cho trụ cột. Mọi tính toán của ông Chung đều đã thành công. Chúng ta không bị chấn thương, thẻ phạt còn đội hình chính không mất nhiều quá sức lực. Không những thế, tuyển nữ Việt Nam còn có một khởi đầu như mơ khi toàn thắng cả 4 trận, ghi 18 bàn và không để thủng lưới bàn nào trong đó có chiến thắng 4-0 trước Myanmar ở vòng bảng.

Nói vậy để thấy, thất bại của đội nữ Việt Nam gây bất ngờ lớn với giới chuyên môn. Chỉ trong 3 ngày, Trần Thị Kim Thanh cùng đồng đội thủng lưới 8 bàn trước Philippines và Myanmar. Trong khi 10 trận trước đó (tính từ trận gặp Thái Lan ở vòng play-off Asian Cup 2022), tuyển nữ Việt Nam toàn thắng, chỉ để thủng lưới 2 bàn.

Thất bại sau đó trên mặt sân nhân tạo của Philippines đến từ nhiều nguyên nhân, từ lối chơi, điểm yếu thể hình, thể lực, điểm rơi phong độ và lịch thi đấu quá dầy. Bởi vậy ngay sau khi dừng chân ở vòng bán kết, HLV Mai Đức Chung khẳng định tuyển nữ Việt Nam cần thay đổi nhân sự. "Tôi muốn thay đổi lại con người. Phải tăng cường thêm các nhân tố mới. Các cầu thủ trẻ còn non kinh nghiệm chưa đáp ứng được, trong khi những cầu thủ trụ cột gặp vấn đề về thể lực."

Đây là vấn đề tồn tại lâu ở đội tuyển nữ. 4 năm qua, HLV Mai Đức Chung hầu như không thay đổi bộ trục gồm thủ môn Kim Thanh, trung vệ Chương Thị Kiều, tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thùy, Dương Thị Vân, Nguyễn Thị Tuyết Dung và Huỳnh Như. HLV Mai Đức Chung chỉ dùng khoảng 11 đến 15 cầu thủ chủ chốt cho các giải đấu với mật độ dày đặc và kéo dài.

Quá trình trẻ hóa ở đội tuyển đang diễn ra, nhưng chưa đúng với kỳ vọng khi các cầu thủ trẻ như Nguyễn Thị Thanh Nhã, Trần Thị Hải Linh,... chưa thể bắt kịp khoảng trống kinh nghiệm và trình độ với đàn chị. HLV Mai Đức Chung từng lý giải: "Trong công tác đào tạo của chúng ta từ lứa trẻ và từ ở CLB chưa có, chính vì thế trên đội tuyển chúng tôi rất vất vả, đáng nhẽ việc đào tạo kỹ thuật thì ở các đội trẻ và CLB làm, lên đến đây chúng tôi chỉ tập phối hợp, tập chuyên môn thôi thì nó đỡ. Nhưng khi lên đây chúng tôi lại phải nhắc nhở lại, nên rất khó, một lúc phải làm nhiều việc như vậy nên nhiều cái các bạn chưa thực hiện đúng yêu cầu."

Khoảng cách giữa đội hình chính và dự bị lớn đến mức ngay ở trận cuối gặp Myanmar ở vòng bảng, HLV Mai Đức Chung vẫn phải dùng nhiều cầu thủ chủ lực để đảm bảo kết quả tốt, dù 2 ngày sau đó phải so tài với Philippines. Và khi thiếu vắng chốt chặn Chương Thị Kiều hàng phòng ngự của tuyển nữ Việt Nam ngay lập tức bộc lộ điểm yếu và liên tục nhận tới 8 bàn thua chỉ trong 2 trận. Ngay cả khi thủ lĩnh hàng phòng ngự có thể ra sân, việc tuyển nữ Việt Nam có thể tránh những bàn thua trước các đối thủ ngang tầm vẫn là điều khó nói, bởi trung vệ của tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa hồi phục chấn thương. Trước giải đấu cô đã chia sẻ: "Hiện giờ Kiều cũng lo vì chân Kiều vẫn sưng và lỏng dây chằng, nên kiều vẫn sợ. Kiều hi vọng chấn thương sẽ mau khỏi để mình có tinh thần thi đấu."

Chấn thương của Chương Thị Kiều là vấn đề không mới, đây vốn là chấn thương mà cô luôn phải chịu đựng trong suốt những năm qua nhưng chưa thể trị dứt điểm vì vẫn phải làm nhiệm vụ cùng CLB và đội tuyển quốc gia, đặc biệt là không có đủ kinh phí để điều trị. Nhà báo Minh Hải tiết lộ: "Khi Chương Thị Kiều đứt bán phần dây chằng, tôi đã nói chuyện với Chương Thị Kiều, sao em không đi mổ đi, thì đầu tiên mình nghĩ bạn ấy đang nghĩ đến chuyện gì đó, nhưng mà thực ra là hơn 40 triệu em không có, cực kỳ khó khăn."

Nói như vậy không phải là bóng đá nữ Việt Nam không được quan tâm, trên thực tế ngay trước giải đấu, VFF tạo điều kiện tập huấn tại Pháp và có trận giao hữu lịch sử với đội tuyển quốc gia nước này và trước đó là rất nhiều những chuyến du đấu rèn luyện khác. Nhưng chỉ mình sự hỗ trợ của VFF là không đủ. Một ví dụ đơn giản nhưng rất rõ ràng: Ở những đội bóng lớn như Hà Nội hay TP.HCM, một cầu thủ nhận 5-7 triệu tiền lương. Những cầu thủ ở đội bóng nhỏ hơn còn nhận ít hơn con số nói trên. Hay CLB nữ Sơn La phải rút lui khỏi giải Vô địch Quốc gia nữ 2021 vì thiếu cả kinh phí lẫn nhân lực. Sau 9 năm hoạt động, đội bóng này chỉ còn 4 cầu thủ để tham dự giải Vô địch Quốc gia. Đội bóng vùng Tây Bắc thiếu kinh phí tới mức, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã miễn nộp lệ phí và hỗ trợ 60 triệu đồng, nhưng vẫn phải căn ke chi phí sinh hoạt, di chuyển trong quá trình tham dự các giải quốc gia.

Những khó khăn về chế độ nói chung kéo theo nhiều hệ quả đáng buồn. Nhiều tuyển thủ quốc gia hiện tại, vừa đá bóng vừa kiếm thêm nghề "tay trái" để mưu sinh. Tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung còn là một người môi giới xuất khẩu lao động. Hoàng Thị Loan vẫn giao hàng phụ giúp gia đình.

Thất bại ở AFF Cup 2022 là cú sốc, nhưng cũng là lời cảnh báo cần thiết với tuyển nữ Việt Nam. Huỳnh Như cùng đồng đội tiến bộ, nhưng đối thủ cũng không chịu đứng yên. Philippines đang vươn mình trở thành thế lực mới với dàn cầu thủ nhập tịch, trong khi Thái Lan, Myanmar vẫn còn nguyên khát vọng.

Làm thế nào để bóng đá nữ Việt Nam duy trì được vị thế số 1 khu vực và vươn ra tầm thế giới, đây vẫn là một bài toán khó mà trong nhiều năm qua vẫn chưa tìm ra lời giải.