Thời điểm UNESCO chính thức ghi danh nghệ thuật Ca trù, không ít người Việt Nam ngỡ ngàng bởi lâu nay dư luận xã hội nhắc đến Ca trù sẽ nghĩ ngay đến “nhà hát Cô đầu" cùng những thú ăn chơi mặc định là “sa đọa, trụy lạc”. Thời điểm đó, rất ít người biết Ca trù thuộc loại hình nghệ thuật gắn với nhiều chữ NHẤT. Có thể nói, khi cuốn sách "Ả Đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật" của tác giả, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền xuất bản, loại hình nghệ thuật âm nhạc di sản này mới lần đầu "đĩnh đạc xuất hiện" với lịch sử ngàn năm cùng nhiều giá trị đã nâng lên vị trí thứ nhất.
Sáng 6/4, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chính thức tổ chức ra mắt cuốn sách “Ả Đào- Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”. Gần 600 trang sách với 7 phần nội dung là kết quả hành trình 9 năm ròng rã tác giả Bùi Trọng Hiền tìm hiểu, khám phá, lắp ghép, đối chiếu, phỏng đoán và cả lấp đầy những khoảng trống do thời gian, lịch sử biến động để nhìn nhận Ca trù như một chỉnh thể.
Từ những tài liệu rời rạc, những âm thanh còn lại cùng những cuộc phỏng vấn, thậm chí phản biện từ người nghệ nhân lưu giữ bài bản cuối cùng, Ca trù được nhìn nhận trong một chỉnh thể “ở tầng bậc kĩ thuật cao với hệ âm luật phức tạp nhất”, nhiều tên gọi nhất và đồng thời cũng chứa đựng nhiều nét đặc biệt nhất từ ca nương, kép đàn đến cả giới thưởng thức.
Trong buổi tọa đàm ngày ra mắt cuốn sách, tác giả, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã nhìn lại, chia sẻ phần nào hành trình đầy gian nan, nhiều lúc tưởng chừng như bế tắc nhưng cho đến hôm nay có thể phần nào trả lời với dư luận xã hội một cách đầy đủ và chính thống câu hỏi về giá trị di sản của Ca trù.
“Nghệ nhân ca trù để tiếp cận khó vô cùng bởi số lượng người còn lại quá ít. Thứ 2 các cụ giấu nghề. Cái này thuộc về bản chất luật tục trong giới ca nương. Việc truyền dạy chỉ được thực hiện với người trong giáo phường. Chính tính chất này khiến khó khăn càng thêm chồng chất. Chúng ta nói đến đúng và đủ nhưng có quá nhiều khoảng mù để khẳng định thế nào là đúng và đủ với loại hình âm nhạc nghìn năm tuổi với quá nhiều biến thiên của lịch sử”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ những khó khăn trên hành trình 9 năm thực hiện công trình nghiên cứu đồng thời là cuốn sách được giới thiệu với độc giả hôm nay.
Riêng tên gọi, Ca trù có thêm 7 cách khác nhau gồm: Hát ả đào; hát cửa quyền; hát cửa đình; hát nhà trò; hát nhà tơ; hát cô đầu; hát ca công tùy vào chức năng, tùy môi trường diễn xướng trải dài, bao phủ khắp miền Bắc trở vào đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh suốt cả ngàn năm lịch sử. Sở dĩ tên gọi Ca trù được xã hội hôm nay sử dụng rộng rãi và nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông bởi được chọn trong quá trình làm hồ sơ và đệ trình UNESCO.
“Ả Đào là danh từ để chỉ người ca nữ. Dùng danh từ đó để chỉ thể loại thể hiện sự tôn vinh rất lớn vai trò nữ giới từ thời nhà Lý 1010-1028. Tên Ả Đào này cho đến thế kỉ 19 có sự thay đổi, Ả thành cô, đào thành đầu. Ả Đào thay bằng chữ Nôm thành Cô đầu. Từ “đầu” ở đây còn thể hiện quan hệ thầy trò. Tức là trong một giáo phương, đào nương và kép đàn dạy nhiều học trò. Sau này những người học trò đấy phải chịu một phần tiền nhỏ trong suất diễn của mình để nuôi thầy. Tiền đó gọi là tiền đầu. Các đào nương rất danh giá sẽ có tiền đầu. Nó có thể hình dung chính là tiền bảo hiểm xã hội giống chúng ta hôm nay”, tác giả Bùi Trọng Hiền phân tích đồng thời liên hệ một cách hóm hỉnh để khách mời tọa đàm có được hình dung ban đầu về sự đa dạng của tên gọi của nghệ thuật Ca trù.
Theo bà Trần Thị Hoài Phương, Giám đốc công ty cổ phần sách Omega Việt Nam, cuốn sách “Ả Đào - một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” chia thành 2 mạch khá rõ ràng. Ở góc độ lịch sử, độc giả thường xuyên bắt gặp những so sánh, liên hệ bất ngờ song cũng hết sức giản dị, gần gũi và đôi khi khiến chúng ta bật cười trong nhiều đoạn phân tích suốt chương 1 và 6. Có thể ví dụ như đoạn viết về vai trò của Ca trù trong đời sống tinh thần thế kỉ 16 ở Việt Nam, tác giả Bùi Trọng Hiền từ những căn cứ lịch sử, văn hóa đã đưa ra kết luật như sau: “Trong đời sống xã hội thời kì này, có thể hình dung bên cạnh việc học theo âm nhạc Ả đào, giới trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu còn học cả cách đi đứng, bắt chước điệu bộ của các nghệ sĩ Ả đào. Như thế, rõ ràng các nghệ sĩ ít nhiều đã được ngưỡng mộ như những “ngôi sao âm nhạc”. Nó không khác gì phong trào hưởng thụ cuồng nhiệt trong đời sống xã hội nhạc Pop thời đại của chúng ta”.
Nhưng ở chương 2,3,4,5, tính chất khoa học thể hiện ở sự rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết và nghiêm cẩn giúp người đọc hình dung về “hệ âm luật” ở tầng bậc cao và phức tạp nhất.
Ở góc độ nào đó, cuốn sách này bao chứa cả kiến thức nền cho số đông công chúng, báo chí truyền thông và có cả phần cho giới âm nhạc, nghệ thuật chuyên nghiệp gồm các trường nhạc, cho những người làm công tác bảo tồn di sản....
“Ca trù đã được công nhận như vậy thì đã đến lúc phải đưa vào giảng dạy ở các trường. Và như vậy, cuốn sách này là cuốn cơ bản để từ đây viết ra nhiều công trình nghiên cứu khác như công trình nghiên cứu đào tạo, viết ra những bài tập để các em luyện tập trên các khổ đàn, khổ phách, khổ hát, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nhấn mạnh ý nghĩa của cuốn sách “Ả Đào-Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” trong công tác gìn giữ và trao truyền di sản này.
"Nếu tôi là nhà quản lí, tôi sẽ động viên các trường nhạc trong cả nước mua cuốn sách này. Nếu tôi có tiền tôi cũng mua và tặng cho các nhà trường cuốn sách này để đào tạo về một di sản âm nhạc cho nghiêm túc”, ông Loan nêu suy nghĩ.
Xoay quanh câu chuyện làm sách, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đơn vị đã hỗ trợ quá trình nghiên cứu nghệ thuật Ả Đào của tác giả Bùi Trọng Hiền thông qua 2 đề án khẳng định về sự vào cuộc của các bên gồm nhà nước, tư nhân, cộng đồng sáng tạo, các nhà nghiên cứu và truyền thông đã góp phần để đưa một công trình nghiên cứu thành cuốn sách mang giá trị thương mại như hướng đi của công nghiệp văn hóa đang manh nha ở Việt Nam, hoàn toàn không phải để cất kho hoặc mang đi tặng.
“Đây cũng được xem như hướng đi bài bản của Viện đồng thời hỗ trợ cho những người làm công tác nghiên cứu cũng là một nghệ sĩ như Bùi Trọng Hiền có thể thăng hoa, dấn thân vào các phần việc khác nhau từ nghiên cứu, giảng dạy, viết sách”, bà Thu Phương chia sẻ.
Buổi tọa đàm kéo dài hơn dự kiến với phần trao đổi giữa tác giả, đại diện Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan với báo chí, giới nghề muốn tìm hiểu cũng như có được góc nhìn đúng đắn về di sản này và đã kết thúc bằng phần biểu diễn trực tiếp nghệ thuật ca trù.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền:
-Nguyên là giảng viên dạy các môn Nhạc lý cơ bản và Âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
-Từ năm 1996 đến nay, ông chuyển công tác về Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
-Lĩnh vực nghiên cứu chính: Âm nhạc cổ truyền và văn hóa dân gian Việt Nam.
-Đóng góp đáng kể nhất của ông gồm nghiên cứu về Ả đào và Cồng chiêng Tây Nguyên, hai di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Ngoài "Ả Đào- Một khảo cứu về lịch sử và âm luật", tác giả Bùi Trọng Hiền từng xuất bản cuốn sách chuyên khảo "Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên".