Nằm cách Thủ đô Hà Nội 230km về phía Bắc, hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được hình thành hơn 200 triệu năm trước. Với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, khí hậu ôn hòa, hồ Ba Bể (di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt) luôn là điểm du lịch khám phá, trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

VOV2 đã phỏng vấn ông Hoàng Ngọc Thấm, Giám đốc ban Quản lý Du lịch Ba Bể về những kế hoạch tới đây của Ba Bể nhằm thu hút du khách.

Phóng viên: Thưa ông, hồ Ba Bể không chỉ là điểm đến nổi tiếng của tỉnh Bắc Kạn mà còn của cả vùng Đông Bắc, tuy nhiên, theo đánh giá thì lượng du khách tìm đến đây trải nghiệm lại chưa nhiều. Vậy địa phương đã có kế hoạch gì để có thể cải thiện được điều này?

Ông Hoàng Ngọc Thấm: Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp nhất thế giới và trong thời gian qua, lượng khách đến với khu du lịch Ba Bể trước thời điểm Covid-19 rơi vào khoảng 100 nghìn lượt và trong 5 tháng đầu năm 2022, nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 thì lượng khách bắt đầu tăng trở lại, đạt 25 nghìn lượt. So với nhiều khu du lịch lớn trong cả nước thì chưa là bao, tuy nhiên đây là con số rất đáng kỳ vọng.

Với trách nhiệm được giao, chúng tôi ngoài làm tốt công tác quản lý, bảo vệ cảnh quan, môi trường... đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho huyện, tỉnh để mở mới một số sản phẩm du lịch. Ngoài những sản phẩm đã có trước đó thì dự kiến từ tháng 6, tháng 7 này, chúng tôi sẽ đưa vào sản phẩm mới đó là sản phẩm du lịch trải nghiệm, khám phá động Thẩm Phày, một trong những động rất đẹp, được coi là Sơn Đoòng của Đông Bắc. Thứ 2 là khai thác du lịch về đêm. Ban ngày ngắm phong cảnh hồ, buổi tối ngồi trên những chiếc thuyền lênh đênh để nghe hát Then và ngắm đảo Bà Góa thắp sáng về đêm. Ngoài ra, tiếp tục khai thác tốt động Hua Mạ, một điểm mà chúng tôi vừa đầu tư hơn 5 tỉ đồng để thay mới, lắp đặt hệ thống điện, âm thanh, ánh sáng. Bên cạnh đó còn có sản phẩm du lịch khám phá Vườn Quốc gia. Hy vọng, những sản phẩm mới sẽ từng bước nâng cao về chất lượng cũng như là các sản phẩm du lịch của Bắc Kạn.

Phóng viên: Ngoài việc bảo vệ, khai thác tiềm năng, lợi thế của hồ Ba Bể thì giao thông, cơ sở vật chất để phục vụ du khách cũng còn những bất cập. Vấn đề này sẽ được địa phương giải quyết như thế nào trong thời gian tới?

Ông Hoàng Ngọc Thấm: Về cơ sở vật chất cũng như hạ tầng thì giai đoạn 2022-2025, tỉnh đã khởi công mở mới tuyến đường từ TP. Bắc Kạn lên hồ Ba Bể nhằm rút ngắn quãng thời gian. Bây giờ từ TP. Bắc Kạn lên Hồ Ba Bể mất 1,5-2 tiếng đồng hồ thì tới đây sẽ chỉ mất khoảng 45 phút thôi. Trong giai đoạn này thì Trung ương cũng hỗ trợ cho tỉnh mở mới tuyến đường nối từ Chợ Mới lên đến thành phố, đến năm 2024 từ Hà Nội di chuyển lên hồ Ba Bể thì mất không đến 3 tiếng đồng hồ. Trong quý I của năm 2023, theo thông tin từ Sở Giao thông – Vận tải thì sẽ sửa chữa và làm mới lại tuyến đường 8 km vòng hồ Ba Bể. Đây là những hạ tầng quan trọng để mà thúc đẩy, phát triển du lịch. Song song với đó, tỉnh và huyện cũng đang có những đề án để hỗ trợ xây dựng các Làng Văn hóa kiểu mẫu, sẽ có những hỗ trợ, định hướng, hướng dẫn bà con để từng bước hoàn thiện từ cơ sở vật chất, nhà nghỉ đến cung cách giao tiếp. Chất lượng dịch vụ tới đây chắc chắn sẽ có bước tiến tốt hơn.

Phóng viên: Một số hộ dân ở các bản xung quanh hồ Ba Bể đã tổ chức làm dịch vụ Homestay để phục vụ du khách, tuy nhiên, theo đánh giá thì hiệu quả mang lại chưa cao hay nói cách khác là còn manh mún. Vậy địa phương sẽ có những hỗ trợ như thế nào để có thể giúp bà con cải thiện được điều này, đồng thời phát huy được bản sắc văn hóa bản địa?

Ông Hoàng Ngọc Thấm: Câu chuyện phát triển du lịch Homestay ở Ba Bể bản chất từ trước tới giờ là tự phát. Từ những năm 2001 thì bà con tự mò mẫm dò đường làm thôi. Xác định rõ việc đấy thì tỉnh cũng như huyện Ba Bể phấn đấu xây dựng từ 1-2 làng du lịch Homestay kiểu mẫu, tức là du khách đến thì cùng ăn, cùng ở, cùng trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng như sản xuất của người dân. Hiện tại, nhiều gia đình ở trong khu vực bản Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc... đã làm.

Thời gian tới huyện xây dựng đề án để làm sao có cái chuẩn, tạo ấn tượng tốt nhất cho khách khi lên đến Hồ Ba Bể, được thư giãn, thoải mái nhất, hòa đồng nhất với mọi người. Hiện tại, trong khu vực Hồ Ba Bể các chị em ở trong các bản làng, trong đó có nhiều người trực tiếp làm chủ Homestay tham gia trực tiếp vào hoạt động văn hóa để có những điệu Then, câu sli, câu lượn phục vụ du khách. Cùng với việc xây dựng làng Homestay kiểu mẫu, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tổ chức, tham mưu và gây dựng đội văn nghệ truyền thống gắn với bản sắc văn hóa dân tộc của vùng hồ.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Xin mời nghe nội dung phỏng vấn tại đây: