“Đào, Phở và Piano” bỗng dưng thành từ khóa hot nhất thời điểm hiện tại, tạo nên “cơn địa chấn” phòng vé khi không thể thích là mua được. Nhằm giải tỏa “cơn sốt” này, đáp ứng nhu cầu thưởng thức phim của khán giả, hệ thống Beta Cinemas, thuộc Beta Group đã vào cuộc.
Phóng viên VOV2 đã có cuộc trò chuyện với anh Bùi Quang Minh (Minh Beta) - Chủ tịch Beta Group về nội dung này.
PV: Xin anh cho biết là lý do vì sao Beta Group lại quyết định chiếu phim “Đào, Phở và Piano” phi lợi nhuận?
Bùi Quang Minh: Nhận thấy “Đào, Phở và Piano” có sức hút rất lớn với cộng đồng, với khán giả, Beta Group đã chủ động làm việc với Cục Điện ảnh để xin được trình chiếu bộ phim này. Chúng tôi đánh giá đây là tác phẩm tốt, có sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu và có ý nghĩa thông điệp rất sâu sắc. Với những bộ phim có giá trị về văn hóa, lịch sử Việt Nam như “Đào, Phở và Piano”, Beta Group mong muốn được chiếu rộng rãi trên hệ thống của mình. Hiện nay Beta Group đã bắt đầu chiếu các suất chiếu đầu tiên của bộ phim và như ngày hôm qua thì số lượng khán giả đến xem rất đông, không còn một ghế trống. Dự kiến trong thời gian tới nhu cầu của khán giả sẽ rất lớn và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để có thể đáp ứng nhu cầu đó.
Beta Cinemas là một mô hình kinh doanh rạp chiếu nên không thể xem nhẹ lợi nhuận. Khi chiếu một bộ phim thì rõ ràng là có những chi phí nhất định mà phía Beta Group sẽ phải đầu tư (chi phí về điện, nước, nhân công…) cũng như những chi phí cơ hội mà mình sẽ không có, bởi khi mà chiếu bộ phim này thì sẽ không chiếu được những bộ phim thương mại khác. Tuy vậy, tôi nghĩ là trong câu chuyện về điện ảnh, ngoài việc kinh doanh, doanh thu lợi nhuận còn là những ý nghĩa liên quan đến các giá trị tinh thần, cũng như những giá trị mà chúng ta có thể cùng nhau tạo dựng được cho cộng đồng và những giá trị đó chúng tôi rất trân trọng. Chúng tôi luôn mong muốn thúc đẩy điện ảnh nước nhà bằng cách đưa nhiều nhất những sản phẩm điện ảnh đến rộng rãi người xem. Vì thế khi quyết định chiếu bộ phim này, chúng tôi coi đây như là cách đóng góp cho nền điện ảnh và giải trí nước nhà, đồng thời truyền tải được những bộ phim có nội dung tốt và chất lượng đến với khán giả trên cả nước.
PV: “Đào, Phở và Piano” là một bộ phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng và có sức hút lớn trong thời điểm hiện tại. Có thể thấy đây là sự thay đổi lớn trong cơ chế đặt hàng làm phim của nhà nước. Theo anh, sự thay đổi này có ý nghĩa như thế nào trong việc đưa phim đặt hàng của Nhà nước đến với công chúng?
Bùi Quang Minh: Rõ ràng điện ảnh là một bộ môn nghệ thuật vô cùng quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Minh chứng mới nhất là sức hút của bộ phim “Đào, Phở và Piano”, rất đông khán giả muốn xem bộ phim này. Nếu chúng ta từng nghĩ các bộ phim về lịch sử, chiến tranh sẽ khó tiếp cận khán giả, thì “Đào, Phở và Piano” đã cho thấy những chủ đề tưởng chừng như khô khan lại có sức hút vô cùng mãnh liệt vì bộ phim có cách tiếp cận mới, đánh trúng lòng tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc, tình yêu nước nồng nàn của mọi người dân Việt Nam. Đây là tín hiệu vô cùng tích cực.
Qua tác phẩm này chúng ta có thể thấy phim của Nhà nước đặt hàng hoàn toàn có thể thu hút khán giả nếu các nhà làm phim có sự quan tâm tới thị hiếu khán giả, đầu tư nghiêm túc, chỉn chu về nội dung, kỹ thuật thực hiện.
PV: Có một điểm đặc biệt là “Đào, Phở và Piano” không hề có một đồng chi phí nào cho việc PR, quảng cáo. Tôi nghĩ, nếu có sự đầu tư vào quảng cáo cho các bộ phim do Nhà nước đặt hàng thì hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều, thưa anh?
Bùi Quang Minh: Thông thường thì mỗi tác phẩm điện ảnh thương mại ra rạp đều được đầu tư khá kỹ lưỡng về công tác truyền thông, PR. Đó là cách tốt nhất để một bộ phim có thể tiếp cận với đông đảo khán giả. Tuy bộ phim “Đào, Phở và Piano” không có ngân sách PR giống như các bộ phim thương mại khác, nhưng phim lại có sức sống mãnh liệt, được nhiều khán giả biết đến trong thời gian vừa qua do hiện tại khán giả có cách tiếp cận thông tin chủ động và phong phú thông qua mạng xã hội, các công cụ truyền thông hiện đại… Và khi khán giả đã có những kênh tiếp cận thông tin đa dạng và có sự chủ động nhất định thì tôi nghĩ một tác phẩm tốt sẽ vẫn có đời sống riêng và có cách riêng để đến được với khán giả
Về câu chuyện phim Nhà nước có nên đầu tư nhiều hơn vào truyền thông hay không thì tôi nghĩ là về mặt đường xa, về tương lai thì đấy là một việc nên cân nhắc. Tuy vậy, sẽ cần phải tính toán kỹ lưỡng nhiều yếu tố để thực hiện việc này một cách hợp lý, hài hòa, phù hợp với định hướng chung của Đảng và Nhà nước ta.
PV: Theo anh, chúng ta cần làm gì để có thể nâng cao được hiệu quả của phim Nhà nước khi ra rạp?
Bùi Quang Minh: Tôi nghĩ sẽ khá khó để một doanh nghiệp tư nhân như tôi có thể bình luận khách quan về vấn đề này. Bởi ngay bản thân mỗi chúng ta đều không hiểu hết được những khó khăn, thách thức của các cơ quan ban ngành khi thực hiện các dự án công, mà đặc biệt là đây còn là các tác phẩm nghệ thuật có những đặc thù riêng.
Tuy nhiên, với sự thành công của “Đào, Phở và Piano”, chúng ta có thể thấy dấu hiệu tích cực rõ ràng của các cơ quan ban ngành của Nhà nước ta trong việc tiếp cận khán giả, đạt được những mục đích về việc nâng cao tinh thần yêu nước, thúc đẩy lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Đây sẽ là một ví dụ điển hình rất hay để chúng ta có thể nghiên cứu và từ đó phát huy, tiếp tục sản xuất được các bộ phim nhân văn, sâu sắc và gần gũi với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân.
PV: Thưa anh, với "Đào, Phở và Piano", khi nhu cầu của khán giả ngày càng tăng thì Beta Group có tăng các suất chiếu phim không?
Bùi Quang Minh: Khi khán giả mong muốn được xem bộ phim này ngày càng nhiều thì chúng tôi sẽ cố gắng hết sức trong khả năng có thể của mình để tăng suất chiếu và phục vụ khán giả một cách tốt nhất, cân đối với tất cả những yếu tố khác về câu chuyện kinh doanh. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có dự kiến sẽ tổ chức một số sự kiện để có thể mời đoàn làm phim và những người có liên quan đến tham gia giao lưu với khán giả. Về thời gian và địa điểm chính xác thì hiện tại chưa có thông tin nhưng chúng tôi sẽ thông báo đến công chúng trong thời gian sớm nhất.
PV: Trân trọng cảm ơn anh.