Trải qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã định hướng phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, trong đó con người được nhìn nhận là trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững đó. Việc nhấn mạnh đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng là thể hiện sự phù hợp với quan điểm tiến bộ về văn hóa trên thế giới hiện nay.

Nhân dịp Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, VOV2 đã phỏng vấn ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xung quanh câu chuyện chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.

PV: Thưa ông, trong những năm qua, cùng với chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa là một trong 4 trụ cột chính tạo nên sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Tuy nhiên, văn hóa vẫn bị đánh giá là hoạt động bề nổi, phát triển chưa tương xứng so với kỳ vọng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phan Viết Lượng: Có thể nói rằng 35 năm qua, đất nước ta đã đạt được rất nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử đáng ghi nhận. Trong đó, về đường lối, quan điểm, thể chế hóa bằng chính sách pháp luật để quản lý và điều hành văn hóa có những bước tiến rất lớn. Nếu so sánh nội dung, nghị quyết của từng thời kỳ Đại hội thì chúng ta thấy đã có những bước phát triển rất rõ ràng. Đặc biệt việc xác định vị trí vai trò văn hóa ngày càng rõ hơn, sau này khẳng định đó là trung tâm sự phát triển bền vững đất nước. Và trong các chính sách phát triển của Đảng và nhà nước bao giờ cũng nhấn mạnh đến sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và văn hóa.

Thời gian qua, việc đầu tư cho văn hóa cũng có những bước phát triển rất tốt, từ những thiết chế, hạ tầng phục vụ cho hoạt động văn hóa, cho đến các phong trào, vận động xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam phát triển... Gần đây chúng ta luôn nhắc đến vấn đề xây dựng con người toàn diện cả về Đức-Trí-Thể-Mỹ, đặc biệt coi trọng nhân cách, đạo đức con người, làm thế nào đó khơi dậy khát vọng, niềm tự hào dân tộc để đưa đất nước ta vươn lên tầm cao mới. Đó là những thành tích nổi bật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nếu nhìn về vai trò, vị trí của văn hóa với sự phát triển đất nước thì văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngay trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ, có lúc, có nơi chúng ta vẫn chưa gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và văn hóa, ở đâu đó vẫn quan tâm phát triển kinh tế hơn so với văn hóa. Và một số cuộc vận động, phong trào văn hóa như: cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… có nơi vẫn chưa đi vào chiều sâu, vẫn còn hình thức. Đây là những điểm mà chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm.

PV: Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra và cũng đã được bàn thảo sâu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này. Ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của việc bồi dưỡng văn hóa cho đội ngũ cán bộ?

Ông Phan Viết Lượng: Đội ngũ cán bộ là lực lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Gần đây, khi nói đến vai trò của văn hóa thì ta có những yếu tố mới, quan điểm mới và những giải pháp mới để phát triển đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ quản lý trong lĩnh vực văn hóa cũng như cán bộ nói chung. Nếu xây dựng được đội ngũ cán bộ giỏi năng lực, đầy đủ phẩm chất văn hóa thì sẽ giúp lan tỏa tích cực đến quần chúng, lớp trẻ. Họ sẽ là tấm gương để mọi người soi chiếu.

Những người cán bộ tốt, được bồi đắp, trau dồi văn hóa, có nhận thức đúng về các giá trị văn hóa cũng sẽ có ý thức hoàn thiện chức trách nhiệm vụ của mình, tránh được tham nhũng, các tệ nạn xã hội. Đội ngũ này cũng sẽ góp phần phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, làm cho xã hội đi vào trật tự, kỷ cương, nền nếp, phòng chống được các mặt trái của văn hóa, giảm sự xuống cấp đạo đức, xã hội. Đó cũng là lý do mà việc bồi dưỡng văn hóa, đạo đức, phẩm chất cho cán bộ cũng là nội dung, nhiệm vụ quan trọng được đưa ra trong Nghị quyết 33 của Ban chấp hành TW Đảng khóa XI.

PV: Sau 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức (24/11/1946), năm nay, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được xem là sự kiện văn hóa - chính trị quan trọng của đất nước, được ví như "Hội nghị Diên Hồng" trong lĩnh vực văn hóa. Cá nhân ông kỳ vọng gì vào Hội nghị lần này?

Ông Phan Viết Lượng: Kỳ vọng thì rất nhiều. Mặc dù nói Hội nghị triển khai Nghị quyết của Đảng nhưng thực ra đây như một thông điệp cho thấy sự quan tâm rất đặc biệt, nhìn nhận được những thách thức văn hóa hiện nay. Chính vì vậy tôi mong muốn hội nghị với những đánh giá hết sức khách quan và thẳng thắn về thực trạng xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới, sẽ làm sâu sắc hơn nữa nhận định từ Đại hội XIII để từ đó lựa chọn những giải pháp trọng tâm, tạo nên sự đột phá trong phát triển văn hóa thời gian tới.

Tôi cũng mong sau hội nghị, cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc, cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII để tạo nên sự biến chuyển sâu sắc nhất, để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, trở thành động lực phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời nghe âm thanh cuộc trò chuyện giữa VOV2 với ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại đây: