Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách chính là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin văn hóa và tri thức. Đọc sách không chỉ giúp con người thư giãn mà còn tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy.

Như vậy, có thể khẳng định “văn hóa đọc” của người Việt gắn liền với sự học từ xưa tới nay và có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống. Có một thời, sách giữ vị trí độc tôn, thậm chí được coi là "hàng hiếm" trong cuộc sống bộn bề khó khăn. Người lớn, trẻ em đều mê đọc sách, từng cuốn sách được nâng niu, giữ gìn rất cẩn thận. Thế nên cũng thật dễ hiểu khi chúng ta có hẳn một ngày Sách và văn hóa đọc. Để giá trị của sách lan tỏa thì văn hóa đọc là một nhịp cầu vô cùng quan trọng. Nếu không có văn hóa đọc, văn hóa đọc không phù hợp thì sách không thể đến với độc giả.

Có thể nói, văn hóa đọc thời gian qua đã có những bước phát triển đáng kể. Nhiều thư viện, tủ sách tại các xã, phường đã được thành lập để phục vụ nhu cầu đọc sách cho nhân dân. Lượng sách xuất bản tăng lên trung bình 20%/năm, số bản sách cũng tăng lên 50%. Các mô hình cộng đồng như câu lạc bộ yêu sách, các tủ sách trong nhà trường, gia đình... nở rộ ở nhiều nơi – Đây là tín hiệu vui đối với văn hóa đọc.

Theo nhà thơ Lữ Mai, khi số lượng sách xuất bản tăng cao thì có nghĩa rằng nhu cầu đọc đã phần nào được cải thiện. "Tuy nhiên, dưới góc độ của người đã tham gia sáng tác cũng như làm nghề và theo dõi ngành xuất bản thì tôi cảm thấy rằng cũng cần phải bóc tách vấn đề này. Bởi vì đôi khi số sách in nhiều lại là nằm ở thư viện chứ đến với độc giả hay không thì chúng ta cần phải có những khảo sát sâu hơn nữa. Chúng ta mừng bởi vì đã số lượng sách xuất bản lên cao phổ biến đến các vùng miền và có nhiều loại hình hoạt động rất phong phú. Đó là một tín hiệu vui, rất lấp lánh. Nhưng cần phải đi sâu vào cụ thể hơn để biết rằng sách có thực sự đến với người đọc hay không".

Khi xã hội ngày càng phát triển, mọi thứ cũng thay đổi rất nhiều. Có lẽ chưa bao giờ sách lại phong phú như bây giờ, từ sách công cụ, học tập, nghiên cứu đến sách giải trí; sách cho mọi ngành nghề, mọi giới, mọi lứa tuổi… Thế nhưng, theo một thống kê mới đây nhất của Hội Xuất bản Việt Nam, hiện trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc khoảng 1,2 cuốn sách/năm (không kể sách giáo khoa) – Điều này cho thấy số đông người đọc vẫn còn thờ ơ với sách. Đây là một vấn đề mà văn hóa đọc đang phải đối mặt, nhất là với người trẻ.

Dù có nhiều cơ hội tiếp cận, nhiều phong trào đọc sách thông qua các hoạt động như ngày hội đọc sách, triển lãm sách… nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không mặn mà với đọc sách mà thay vào đó là lướt facebook, chơi game. “Việc con người dần dần bận rộn hoặc bị cuốn theo nhiều thứ trong cuộc sống đó là thực tế nhưng không vì thực tế đó mà chi phối đến việc đọc sách. Chúng ta mất thời gian trong công việc vô bổ nhưng mà đôi khi với sách hoặc là với những khoảnh khắc chơi với trẻ em chúng ta lại viện cớ là chúng ta bận. Tôi thấy hầu như là mọi người thiếu đi một sự duy trì những thói quen lành mạnh. Đôi khi chỉ là viện cớ thôi, ai cũng có thể bỏ ra được 5 phút, 10 phút, 15 phút đọc sách cùng con trước khi đứa trẻ ngủ”, nhà thơ Lữ Mai bày tỏ.

Công nghệ số cho phép con người có thể tiếp cận thông tin, tri thức từ rất nhiều cách khác nhau, sách điện tử thay vì sách giấy… Hiện nay, bên cạnh các trang web, các sàn giao dịch sách online, chợ sách trực tuyến… những người yêu sách có cơ hội được tiếp cận thêm một loại hình sách, đó là sách điện tử (Ebook). Bên cạnh đó ChatGPT cũng đang trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn để tìm hiểu thông tin.

Theo nhà thơ Lữ Mai, dù công nghệ phát triển thì “văn hóa đọc” cũng sẽ không bị lấn lướt bởi nhiều phương tiện nghe nhìn hấp dẫn khác. "Bản chất của những phương tiện ra đời là để phục vụ tốt hơn cho đời sống con người, tức là bổ trợ kết hợp nhiều hơn là triệt tiêu và tôi không nghĩ là điều gì lấn lướt điều gì cả. Nếu có lấn lướt thì đó chính là do con người đã bị lấn lướt bởi những thứ khác, còn công nghệ nếu biết cách sử dụng thì nó sẽ chỉ tăng hơn cái tính hiệu quả của sách vở mà thôi".

Hiện nay, việc chuyển từ đọc sách in sang đọc online là một xu thế tất yếu. Sách điện tử được xem là xu hướng trong tương lai. Tuy nhiên, dù đọc sách theo cách nào thì chất lượng thông tin và độ tin cậy vẫn là những yếu tố phải được ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế các nền tảng gia đình, nhà trường, xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ, tạo ra những sân chơi đi vào thực chất để khuyến khích văn hóa đọc phát triển.

Dù xã hội có hiện đại đến đâu, các phương tiện truyền thông có bùng nổ đến thế nào thì vẫn không thể thay thế được những cuốn sách và thú vui, niềm đam mê đọc sách. Đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức để tiếp cận thông tin, mà còn là một trong những hoạt động văn hóa – “văn hóa đọc”; là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở…

Mời nghe bài viết tại đây: