Năm 1974, Quân đội Sài Gòn bị thất bại nặng nề, nhưng lực lượng của địch còn hàng triệu quân, được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, đang triển khai hoàn chỉnh trên bốn quân khu từ Trị Thiên đến đồng bằng sông Cửu Long.
Trong tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cân nhắc hết sức cẩn trọng và chọn Buôn Ma Thuột mở đầu cho Chiến dịch Tây Nguyên. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược ở Nam Tây Nguyên nhưng lại tương đối cô lập xa các trung tâm quân sự lớn, hạn chế sự chi viện lớn của địch. Do đó, một trận đánh lớn ở Buôn Ma Thuột sẽ tạo sự rung động mạnh về chiến lược, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng ven biển miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn.
Trung tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến, nguyên Trưởng phòng Tác chiến mặt trận Tây Nguyên kể lại. "Ở Tây nguyên địch còn 6 vạn 3 nghìn tên, chúng quyết giữ bằng được Tây Nguyên, hướng chủ yếu là Bắc Tây Nguyên, giữ Gia Lai, Kon Tum, ở Đăk Lắc nhẹ hơn. Tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên, lấy Nam Tây Nguyên làm trọng điểm, với mục tiêu làm sao để đánh Buôn Ma Thuột nhanh nhất? Lợi dụng địch bố trí lực lượng ở phía Bắc Tây Nguyên, Pleiku và Kon Tum, sơ hở ở Buôn Ma Thuột để đánh chỗ yếu nhất của địch mà địch không dự phòng".
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, để giữ quyền chủ động tiến công, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo tiến hành kế hoạch nghi binh rất công phu. Để tạo bí mật bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, từ đầu năm 1975, lực lượng bộ đội chủ lực của ta ở Tây Nguyên đã tiến hành một kế hoạch nghi binh rất tài tình, thu hút sự chú ý đối phó của địch ở Bắc Tây Nguyên mà người chấp bút cho kế hoạch này chính là Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến.
"Cuối 1973 đầu 1974, tôi được điều về làm trưởng phòng tác chiến ở mặt trận Tây Nguyên. Tháng 10 khi đó đồng chí Vũ Lăng trưởng phòng tác chiến về làm Tư lệnh B3 Tây Nguyên giao cho tôi làm kế hoach nghi binh để ta đưa chủ lực xuống phía Nam Tây Nguyên. Khi có chủ trương này, mới tính hút địch lên phía bắc, để phía nam sơ hở cho mình đánh. Chủ trương này đặt ra 2 phương án: đánh địch không phòng ngự và đánh địch đã có phòng ngự. Phải chuẩn bị cả 2 phương án để thắng. Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đặt ra phương án, làm sao lừa địch lên phía Bắc, mình tập trung đánh Buôn Ma Thuột, giải phóng. Chiến dịch Tây Nguyên có 2 chiến dịch song song là lừa địch và chuẩn bị lực lượng mạnh, giải phóng Buôn Ma Thuột".
Mở đầu chiến dịch, ta dồn dập đánh địch trên đường 19, đường 21, đường 14 nhằm chia cắt bao vây, nghi binh đánh lạc hướng quân địch. Đến đầu tháng 3/1975, địch vẫn chưa phát hiện ta sẽ tấn công Buôn Ma Thuột, chúng còn đưa Trung đoàn 45 ở Đắk Lắk ra Pleiku đối phó với hoạt động của chủ lực ta ở bắc Tây Nguyên. Sáng ngày 5/3/1975, Trung đoàn 25 cắt đường 21. Ngày 8/3/1975, Trung đoàn 48 đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn và căn cứ Cẩm Ga cắt đứt đường 14 diệt tiểu đoàn bảo an. Ngày 9/3 Sư đoàn 10 đánh quận lỵ Đức Lập, căn cứ Núi Lửa, cứ điểm 22. Đến 04 giờ sáng ngày 10-3, khi xe tăng của ta tiến vào Buôn Ma Thuột thì địch mới biết được Buôn Ma Thuột là mục tiêu chủ yếu của quân giải phóng.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã giáng đòn điểm huyệt choáng váng, buộc quân địch phải rút khỏi Tây Nguyên, lực lượng tàn quân tháo chạy cũng bị tiêu diệt gọn. Thất thủ ở Tây Nguyên, chính quyền Sài Gòn và cố vấn Mỹ bàng hoàng, sửng sốt, hoàn toàn bất ngờ và rơi vào thế bị động.
Theo Đại tá Lê Quang Lạng, Trưởng phòng Lịch sử kháng chiến, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, nếu không có thắng lợi ở Tây Nguyên thì khi đó khó có những thắng lợi tiếp theo. "Nếu không có thắng lợi ở chiến dịch Tây Nguyên thì sẽ không có một cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 vì chiến dịch Tây Nguyên không chỉ quan trọng về địa bàn mà nó chặt đứt một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn trên chiến trường miền Nam".
Chiến dịch Tây Nguyên cũng là chiến dịch thể hiện sự tài tình và độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đó là nghệ thuật tổ chức nghi binh, lừa địch, giấu đi hướng tiến công chủ yếu, đánh vào nơi địch sơ hở nhất, đẩy địch vào thế bị động trên chiến trường, tạo ra thế và lực để ta giải phóng hoàn toàn các tỉnh Tây Nguyên.
Những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời chuyển trạng thái từ đánh chắc, tiến chắc sang "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Đây là đòn chiến lược then chốt mở đầu cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, đánh vào nơi hiểm yếu nhất của địch trên chiến trường miền Nam.
Mời nghe bài viết tại đây: