[VOV2] - Trước đây, cứ mỗi dịp Tết Trung Thu, những con giống nhỏ xinh bằng bột được bày bán khắp các phố phường Hà Nội và nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, là những món đồ chơi được trẻ em yêu thích.
Về cơ bản, con giống bột tại miền Bắc chia ra làm 3 phong cách: phong cách Phú Xuyên, phong cách Đồng Xuân và phong cách Phố Khách.
Con giống bột tại Xuân La, Phú Xuyên, ngoại thành Hà Nội được làm bằng bột nếp nhuộm bằng các vật liệu thiên nhiên, sau đó được nấu chín. Khi nặn xong, con giống thường được đem hấp lại cho bóng đẹp. Ảnh: Bảo tàng Quai Branly, Pháp.
Bộ 12 con giáp bằng bột theo phong cách Phú Xuyên. Đề tài của con giống bột Phú Xuyên thường lấy từ những con vật, đồ vật gần gũi với cuộc sống con người ở làng quê như trâu, bò, lợn, gà, ấm trà, đầu sư tử Trung Thu... Trẻ em sau khi chơi xong, có thể ăn được luôn để khỏi phí.
Bộ Lục Súc theo phong cách Đồng Xuân. Con giống bột Đồng Xuân do người dân ở phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Đường, Đồng Xuân chế tác; được làm bằng bột nếp trộn với bột hoành tinh, nhuộm phẩm màu, sau khi nặn xong được quang dầu bóng để có thể bảo quản trong nhiều năm.
Bộ Đầu Sư tử theo phong cách Đồng Xuân. Loại con giống này không thể ăn được, mà chỉ có chức năng là đồ chơi cho trẻ em cũng như đồ trang trí.
Một vài mẫu con giống bột theo phong cách Đồng Xuân đầu thế kỷ XX, do nghệ nhân con giống bột Đồng Xuân cuối cùng Phạm Nguyệt Ánh phục chế. Ảnh tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Con chuột bằng bột theo phong cách Đồng Xuân. Các đề tài con giống bột Đồng Xuân rất phong phú, thường là các loài động vật như bộ Lục Súc (ngựa, trâu, dê, gà, chó, lợn), cá chép, cá vàng, tôm, cua, voi, rắn, hổ, chuột...
Đề tài của phong cách Đồng Xuân còn có thể là các loại hoa quả đào, lựu, na, xoài, thị...; các đồ vật như bộ ấm chén, chậu hoa, hòn non bộ, đôi hài thêu. Ảnh: Mâm hoa quả bằng bột phong cách Đồng Xuân, do bà cụ Quang tại Lý Thường Kiệt chế tác.
Đôi hài xanh và đôi hài hồng bằng bột theo phong cách Đồng Xuân, do nghệ nhân con giống bột Đồng Xuân cuối cùng Phạm Nguyệt Ánh chế tác.
Bộ ấm chén Tây Phương bằng bột theo phong cách Đồng Xuân đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Quả núi Tứ Phủ Thánh Cô bằng bột theo phong cách Đồng Xuân đầu thế kỷ XX.
Con giống bột Phố Khách, chủ yếu do người Hoa Kiều ở phố Hàng Buồm, Mã Mây chế tác, tuy có nguyên liệu tương tự con giống bột Đồng Xuân nhưng kỹ thuật chế tác lại tinh xảo, tỉ mỉ hơn. Ảnh: Bộ con giống bột Đồng Xuân và Phố Khách đầu thế kỷ XX. Hiện vật của Bảo tàng Quai Braily, Pháp.
Các đề tài của con giống bột Phố Khách thường thiên về thần thoại như Tứ Linh, Nghê hí châu, Sư tử hí cầu, cá chép hoá rồng, Thiềm Thừ hí nguyệt, cô tiên cầm phất trần... Ảnh: Bộ Tứ Linh theo phong cách Phố Khách, do nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu phục chế.
Bộ Lân - Nghê - Sư bằng bột theo phong cách Phố Khách, do nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu phục chế.
Không chỉ là món đồ chơi được trẻ em đặc biệt yêu thích, món đồ trang trí mâm cỗ Trung Thu độc đáo, con giống bột còn đóng vai trò tâm linh, phục vụ các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Ảnh do Madeleine Colani chụp vào năm 1925-1935 tại Hà Nội.
(Tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ)
Một người phụ nữ bán mâm hoa bằng bột theo phong cách Đồng Xuân vào dịp Tết Trung Thu. Ảnh do Madeleine Colani chụp vào năm 1925-1935 tại Hà Nội. Tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Những con giống hình mâm ngũ quả, những con ngựa đóng yên cương, những đôi hài thêu được các bà các cô sử dụng như lễ vật để dâng lên Phật, Thánh tại các chùa chiền, đền phủ. Ảnh: Một gian hàng bán con giống bột theo phong cách Đồng Xuân vào dịp Trung Thu những năm 20 của thế kỷ XX tại Hà Nội.
Thậm chí những gia đình có con cái chết yểu vẫn sẽ giữ lại những con giống bột mà chúng đã chơi trên bàn thờ, chứ không thay thế thường xuyên giống như những lễ vật khác như nhang đèn, hoa quả.