“Đào, Phở và Piano” là một trong hai phim được Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất và thí điểm chiếu rạp trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đây là bộ phim về đề tài chiến tranh, tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947.
Không chỉ kể về chiến tranh, “Đào, Phở và Piano” còn là câu chuyện về tình yêu. Đó là mối tình nồng nàn và lãng mạn của anh cảm tử quân tên Dân do diễn viên Doãn Quốc Đam đóng và cô tiểu thư Hà thành do Cao Thị Thùy Linh thủ vai. Họ lạc nhau trong cuộc chiến và khi tìm được nhau trên chiến lũy, đôi tình nhân chỉ còn lại vài tiếng đồng hồ để kịp cưới, để tận hưởng cuộc sống vợ chồng giữa mong manh sống chết. Đó là một ông họa sĩ già với tình yêu hội họa, luôn ấp ủ trong tim một ngày vẽ được tác phẩm cuộc đời. Hay vợ chồng cặm cụi với gánh phở, chỉ mong có người đến thưởng thức. Một chú bé đánh giày chỉ ước ao một chiếc mũ cảm tử quân… Mỗi nhân vật trong “Đào, Phở và Piano” mang theo một số phận, câu chuyện riêng nhưng điểm chung của họ là tinh thần lạc quan, tích cực giữa những bộn bề đổ nát và khắc nghiệt của chiến tranh.
Phim lấy bối cảnh cận Tết, người dân Thủ đô phải sơ tán lên chiến khu nên những cành đào phải vất vả lắm mới kiếm được. Theo Đạo diễn Phi Tiến Sơn- Đạo diễn phim điện ảnh “Đào, Phở và Piano”, thời gian càng xa, chúng ta nhìn chiến tranh cũng khác đi, nhất là các bạn trẻ ngày hôm nay cũng hiểu về chiến tranh cũng khác đi... "Làm thế nào để có sự đồng cảm giữa thế hệ ngày hôm nay với thế hệ cha ông chúng ta cách đây mấy chục năm về trước về chiến tranh là một bài toán khó, và chúng tôi đã rất cố gắng giải bài toán đó qua phim này. Phở, đào hay piano chính là những đặc trưng không thể thiếu của người Hà Nội xưa. Nó khắc họa những con người Hà Nội, với các tầng lớp người tuy rất khác nhau về thân thế, nhưng gặp nhau bởi tình yêu cái đẹp, những đam mê tao nhã, khí chất lãng tử và lòng yêu nước trong mỗi con người".
Phim không phải được công chiếu lần đầu, song đã bất ngờ gây sốt, trở thành hiện tượng sau khi một Tiktoker nổi tiếng đăng review và được một số hội nhóm chia sẻ lại. Đây cũng là bộ phim về đề tài lịch sử hiếm hoi do Nhà nước đặt hàng cháy vé và trở thành bộ phim ăn khách nhất từ trước đến nay. Từ bộ phim chỉ chiếu 2 - 3 suất mỗi ngày, mỗi rạp khoảng 100 khán giả, đến nay Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã tăng lên 18 suất chiếu 1 ngày để đáp ứng nhu cầu của khán giả xem phim.
Liên quan đến việc bộ phim điện ảnh “Đào, Phở và Piano” gây “sốt vé” trong những ngày vừa qua, bên cạnh Trung tâm Chiếu phim quốc gia, 2 cụm rạp tư nhân là Beta Media và Cinestar Vietnam đã chủ động liên hệ với Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chiếu phim “Đào, Phở và Piano” tại cụm rạp của họ và khẳng định sẽ nộp toàn bộ doanh thu bán vé thu được từ phim vào ngân sách Nhà nước. Như vậy là với sự tham gia của 2 doanh nghiệp điện ảnh tư nhân, bộ phim sẽ được phát hành rộng rãi trên toàn quốc và đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Theo anh Bùi Quang Minh - Chủ tịch Beta Group (hay còn được biết đến với tên gọi Minh Beta), toàn bộ các chi phí liên quan trong quá trình chiếu phim sẽ do công ty chịu trách nhiệm. “Chúng tôi muốn đóng góp dù là điều nhỏ nhất cho nền điện ảnh nước nhà nên ngoài việc phổ biến phim Việt Nam chất lượng đến với đông đảo công chúng thì toàn bộ doanh thu bán vé thu được từ phim sẽ được chúng tôi nộp vào ngân sách Nhà nước”.
Một bộ phim về đề tài chiến tranh do Nhà nước đặt hàng, không quảng cáo phát hành và chỉ chiếu ở một địa điểm duy nhất bỗng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội sau một clip chia sẻ đã tạo nên sự hứng khởi với những người yêu điện ảnh, đặc biệt là các bạn trẻ. Qua đó có thể khẳng định, những đề tài chiến tranh hay lịch sử, nếu được làm chỉn chu và có cách tiếp cận mới lạ sẽ rất thu hút khán giả.
Theo số liệu từ Box Office Việt Nam - đơn vị thống kê doanh thu phòng vé độc lập, doanh thu “Đào, Phở và Piano” tính đến tối ngày 20/2 là hơn 505 triệu đồng - một con số khá ấn tượng đối với một phim Nhà nước chiếu và bán vé tại một rạp duy nhất.
Phim "Đào, Phở và Piano" là phim điện ảnh của đạo diễn Phi Tiến Sơn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng, Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất, lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947 ở Hà Nội. Trước khi phát hành vào dịp Tết, phim từng đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, diễn ra tháng 11/2023.