Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, ngày 10/10/1954, năm cửa ô rộng mở, ngập trong cờ hoa và biểu ngữ đón chào đoàn quân tiến về Hà Nội, chính thức vào tiếp quản thủ đô. Và ngày 10/10/1954 là ngày đánh dấu mốc son lớn cho lịch sử dân tộc Việt Nam: Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng.
Hình ảnh về đoàn quân trùng điệp tiến bước trong sự hân hoan của hàng vạn nhân dân vào buổi sáng cách đây đúng 68 năm đã trở thành một phần ký ức đẹp của bao thế hệ người dân Thủ đô. Bà Hoàng Minh Phương, nhà ở phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội nhớ lại: "Tôi khi đó 12 tuổi, vì còn nhỏ nên tôi phải bắc một cái ghế đứng ở bên trong nhà nhìn ra suốt, cứ đứng chờ đến tận trưa khi bộ đội đi hết rồi, có cả ông Trần Duy Hưng đi qua nhà tôi. Tất cả đều rất là sung sướng, hồ hởi chạy ra đón bộ đội. Nhưng có lẽ với tôi và người dân Hà Nội lúc bấy giờ giây phút thiêng liêng nhất là khi làm lễ chào cờ, được nhìn lá cờ tổ quốc tung bay trong gió thì tôi nghĩ niềm vui đó không bút nào tả xiết".
Đứng sừng sững, uy nghi trên đường Điện Biên Phủ, nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Cột cờ Hà Nội là một di tích kiến trúc độc đáo, là nhân chứng lịch sử của Thủ đô. Cột cờ Hà Nội được xây dựng vào năm 1805 và hoàn thành vào năm 1812 dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn. Tại Cột cờ Hà Nội đã có 2 trận chiến nổ ra giữa binh lính triều đình nhà Nguyễn và binh lính Pháp lần thứ nhất năm 1873, lần thứ hai vào năm 1882, binh lính Pháp đã chiếm được nơi này làm nơi đóng quân. Họ đã sử dụng Cột cờ làm nơi quan sát trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Mãi đến năm 1954 khi Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng, chúng ta mới tiếp quản Cột cờ Hà Nội. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ, Cột cờ cũng là đài quan sát của bộ đội phòng không Hà Nội.
Theo Thượng tá Lê Vũ Huy – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Cột cờ Hà Nội là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng Thành Thăng Long, được công nhận là Di tích lịch sử năm 1989. Nhưng trên hết, Cột cờ Hà Nội được coi là một trong những biểu tượng tôn nghiêm và có giá trị lịch sử của thủ đô Anh hùng. Năm 1945, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên cột cờ Hà Nội. Kể từ đó đến nay, Cột cờ Hà Nội vẫn sừng sững uy nghiêm và trường tồn với thời gian.
Cột cờ Hà Nội có chiều cao tổng thể là 33m, nếu tính cả trụ treo cờ là 44m; được xây dựng gồm 3 tầng đế và 1 thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt nhỏ dần và chồng lên nhau. Tầng 1, mỗi chiều dài 42,5m cao 3,1m. Tầng 2 mỗi chiều dài 27m, cao 3,7 m và có 4 cửa. Cửa hướng Đông phía trên có hai chữ Nghênh Húc, nghĩa là đón ánh sáng ban mai. Cửa Tây với hai chữ Hồi Quang, tức là Ánh sáng phản chiếu; cửa Nam với hai chữ Hướng Minh ý nói hướng về ánh sáng; riêng cửa Bắc không có chữ đề. Tầng 3 mỗi chiều dài 12,8m cao 5,1m có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc, trên tầng này là thân cột cờ cao 18,2 m hình trụ 8 cạnh thon dần lên trên. Trong thân cột có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh, được soi sáng và thông hơi bởi 39 lỗ thoáng hình rẻ quạt xung quanh thân cột.
Lá quốc kỳ được treo trên đỉnh Cột cờ Hà Nội có kích thước 4m x 6m, diện tích 24m vuông được may bằng vải phi bóng, góc cờ chần hình quả trám để có thể chịu được những trận gió to. Bất kể lúc nào lá cờ bị bạc màu hay bị rách sẽ được thay ngay lập tức để giữ gìn một biểu tượng thiêng liêng của đất nước. Đó là nhiệm vụ mà các cán bộ, chiến sĩ công tác tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thực hiện để lá cờ Tổ quốc lúc nào cũng tung bay trong gió.
Trải qua thời gian, vượt qua mọi khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc, Cột cờ Hà Nội vẫn đứng sừng sững mang lá cờ Tổ quốc, biểu trưng cho ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Cột cờ Hà Nội chính là một “nhân chứng lịch sử”, một biểu tượng vinh quang và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Mời nghe âm thanh chi tiết tại đây: