Trong suốt chiều dài 143 năm tồn tại của vương triều nhà Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1945, trải qua 13 đời vua từ Vua Gia Long, vua Minh Mệnh, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức cho đến ông vua cuối cùng là vua Bảo Đại, đã trải qua nhiều thăng trầm và cũng để lại nhiều dấu ấn lịch sử.

Ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay vẫn còn nhiều chứng tích lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của triều đình nhà Nguyễn, trong đó có những nhân chứng lịch sử đặc biệt.

Một trong những nhân chứng được sống và phục vụ thời gian dài trong hoàng cung, đó là cung nữ Lê Thị Dinh.

Theo Tiến sĩ sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học Việt Nam, cung nữ Lê Thị Dinh sinh ngày 1/1/1920 tại làng Hòa Duân, xã Phú Thuận huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà là cháu ngoại của Quận Công Nguyễn Phúc Ưng Quyến - em trai của 3 vị vua triều Nguyễn là vua Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Như vậy, bà không chỉ là một cung nữ bình thường mà thuộc hoàng tôn.

Năm lên 8 tuổi, Lê Thị Dinh được đưa vào cung phục vụ Thánh Cung Hoàng hậu - vợ vua Đồng Khánh và Đức Hoàng Thái hậu Từ Cung - vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, sau khi vua Bảo Đại thoái vị, bà Dinh theo đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại về ở tại cung An Định (Huế) để chăm lo cho Hoàng Thái hậu.

Khác với các cung nữ tiền triều, bà Dinh được phép lập gia đình khi còn làm việc trong cung và sinh được 2 người con, nay chỉ còn 1 người con trai là Nguyễn Như Trị, sinh năm 1943 còn sống tại Huế.

Bà Dinh hầu cận đức Từ Cung cho đến ngày Hoàng Thái hậu qua đời tại Huế vào năm 1980. Sau khi đức Từ Cung mất, bà Dinh về ở tại phủ Kiên Thái Vương cùng các con và chuyên lo thờ tự, hương khói cho 5 vị vua triều Nguyễn là Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định và Bảo Đại.

“Người ta nhắc đến bà là nhắc đến sự tận trung, tận hiếu với các vị vua triều Nguyễn và sự phụng sự xuyên suốt cả cuộc đời, ngay cả khi vương triều không còn nữa” – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm nhấn mạnh.

Tại sao cung nữ Lê Thị Dinh lại sống ở phủ Kiên Thái Vương và hương khói thờ phụng 5 vị vua triều Nguyễn này? Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm giải thích: “Theo sử liệu bà là chắt ngoại của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, sinh năm 1845, là con trai thứ 26 của vua Thiệu Trị, mà vua Tự Đức cũng là con trai thứ 2 của vị vua này. Kiên Thái Vương Hồng Cai là người thông minh, nhân hậu, được vua Tự Đức rất quý trọng. Kiên Thái Vương Hồng Cai là cha của 3 vị vua Đồng Khánh, vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi đều là anh trai ông ngoại của bà là Quận công Nguyễn Phúc Ưng Quyến. Còn với vua Khải Định và vua Bảo Đại là do bà phụng sự vợ vua Khải Định và mẹ vua Bảo Đại. Đó cũng là một nét đặc biệt trong cuộc đời cung nữ này”.

Sống thọ trên 100 tuổi, bà Lê Thị Dinh từng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thiếp mừng thọ 100 tuổi.

Cụ thể, ngày 7/1/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký thiếp mừng thọ 100 tuổi (tính theo dương lịch) đối với cụ bà Lê Thị Dinh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời chúc với nội dung: “Chúc Cụ luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, tiếp tục động viên con, cháu vun đắp gia đình, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Là một cung nữ nhưng cụ bà Lê Thị Dinh có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử triều Nguyễn ngay cả khi đã rời khỏi cung cấm. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm nhấn mạnh: Điều nổi bật của cuộc đời cụ bà Lê Thị Dinh đó là sự cống hiến cho sự nghiệp chung của dân tộc dù trải qua 2 giai đoạn lịch sử của đất nước.

Là một cung nữ có dòng dõi hoàng tộc, bà Lê Thị Dinh được giáo dục kỹ lưỡng và thấm hiểu những lễ nghi, lễ nghĩa trong hoàng cung, đặc biệt là những triết lý trong các hoa văn, họa tiết trên trang phục của triều Nguyễn.

Nhà thiết kế trẻ Nguyễn Đức Lộc, giám đốc Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên, một người đam mê nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng cổ phục, đặc biệt là trang phục thời Nguyễn là một trong những người đã có may mắn được tiếp xúc và học hỏi từ nhiều nghệ nhân xứ Huế, trong đó có cung nữ Lê Thị Dinh và Công tôn nữ Trí Huệ.

Nguyễn Đức Lộc chia sẻ, được gặp gỡ những chứng nhân lịch sử xứ Huế đã giúp anh rất nhiều trên con đường nghiên cứu, sáng tạo và phục dựng cổ phục: “Là thế hệ trẻ, với niềm đam mê tìm hiểu văn hóa, đặc biệt là trang phục cổ, cố đô Huế là một trong những nơi chúng tôi đặc biệt quan tâm. Ở đó hiện còn nhiều vật chứng, chứng nhân lịch sử, trong đó có 2 nghệ nhân là mệ Công tôn Trí Huệ và mệ Lê Thị Dinh. Cụ Lê Thị Dinh là người được đào tạo từ hoàng cung nên có nhiều am hiểu, được tiếp xúc học hỏi cụ qua cả những tư liệu nữa, đã giúp ích rất nhiều cho những người trẻ chúng tôi. Họ kể những câu chuyện mà khó tìm thấy trong sách vở nào”.

Theo gia đình cho biết, cách đây 2 năm, sức khỏe cụ Dinh yếu dần, không còn minh mẫn khi tiếp xúc với mọi người.

Ngày 21/2 vừa qua (tức ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu) cụ bà Lê Thị Dinh trút hơi thở cuối cùng tại Huế.

Từng sống, hầu cận các bậc tôn quý của Hoàng triều tại các cung phủ vàng son xứ Huế, cuối cuộc đời, cụ bà Lê Thị Dinh ra đi trong sự thanh thản, giản dị và được xem là tấm gương về lòng hiếu thảo với tổ tiên, dòng tộc.

Sau khi mẹ mất, vì bà là con cháu của nhà Nguyễn, nên ban đầu gia đình có nguyện vọng muốn nhờ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hỗ trợ về nghi thức tang lễ. Tuy nhiên, vì lý do phòng chống dịch bệnh COVID-19, con trai Nguyễn Như Trị và tang quyến quyết định tổ chức tang lễ theo nghi thức Phật giáo và lễ nghi truyền thống dân gian. Sáng sớm ngày 17 tháng Giêng Tân Sửu (tức ngày 28/2), tang quyến tổ chức di quan, an táng cụ bà Lê Thị Dinh tại nghĩa trang nhân dân phía nam Dạ Lê (thị xã Hương Thủy).

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: