Sáng 26/10, tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) tổ chức Hội nghị tổng kết Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc. Tham dự có bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cùng đông đảo đại biểu đại diện thư viện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và thư viện các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” là một trong những hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động của đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ- TTg ngày 15/03/2017. Cuộc thi được phát động hàng năm bắt đầu từ năm 2019 đến năm 2022, qua 4 lần tổ chức đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt thí sinh tham dự ở vòng sơ khảo. Số lượng thí sinh tham dự tăng mạnh theo mỗi kỳ tổ chức đã phần nào khẳng định sức lan tỏa của cuộc thi. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, toàn xã hội phải giãn cách để chống dịch, song việc tổ chức Cuộc thi vẫn được tiến hành theo hình thức phù hợp và thu hút hơn 871.000 học sinh, sinh viên tham gia. Năm 2022 là năm có nhiều địa phương và các đơn vị, các trường đại học, học viện tham gia nhiều nhất. Trong 05 tháng phát động và triển khai, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” đã thu hút gần 1.272.000 học sinh, sinh viên từ gần 7.869 cơ sở giáo dục tham gia vòng sơ khảo.

Phát biểu tại lễ tổng kết sau 4 năm tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, bà Kiều Thúy Nga, Vụ Trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL nhận định: “Cuộc thi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Bên cạnh đó cuộc thi đã tác động cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập".

Qua 4 lần triển khai, ở nhiều địa phương và nhiều trường học, học viện, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” đã trở thành một sân chơi, một diễn đàn hữu ích để học sinh, sinh viên cũng như thanh niên, thiếu niên cùng các tầng lớp nhân dân chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả, lan tỏa nguồn tri thức khổng lồ từ sách.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Quá trình tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” thực sự là một hành trình giàu cảm xúc, được đông đảo các em học sinh, sinh viên trên toàn tỉnh tham gia, đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên nhận thức trong cộng đồng cũng như các cấp về vai trò của sách báo cũng như việc đọc sách hằng ngày để góp phần phát triển tri thức của bản thân cũng như góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”.

Còn ở tỉnh Kiên Giang, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” được triển khai đã tạo những chuyển biến tích cực trong phát triển văn hóa đọc tại cộng đồng. Theo bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Thư viện tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2023, dù Bộ VHTT&DL không tổ chức trên quy mô toàn quốc, nhưng tỉnh Kiên Giang vẫn tổ chức cuộc thi. Qua 5 lần tổ chức, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” đã góp phần lan tỏa niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ. Từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong nhà trường và cộng đồng, hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng đọc sách.

“Ngoài ra, cuộc thi đã thổi một luồng gió mới, đa dạng hóa hình thức đọc sách và chuyển tải nó đến tất cả mọi người. Các em thí sinh được sáng tạo theo cách riêng của mình trong các sản phẩm dự thi bằng hình thức video clip giới thiệu sách và ứng dụng công nghệ thông tin. Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tại tỉnh Kiên Giang đã thật sự trở thành sân chơi, diễn đàn để các em học sinh thể hiện tài năng của mình, chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả và những quyển sách hay đến với bạn bè” – Bà Lê Thị Thanh Thủy chia sẻ.

Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTT& DL cho 20 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc từ năm 2019-2022.

Hội nghị lần này cũng là dịp để nhìn lại quá trình triển khai cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”. Theo nhiều đại biểu đại diện thư viện của các tỉnh, thành phố và các ngành, để nâng cao chất lượng cuộc thi trong những năm tiếp theo cần quan tâm đầu tư kinh phí, thực hiện các mô hình điểm về “Đại sứ văn hóa đọc”, tổ chức các diễn đàn giao lưu cho các “Đại sứ văn hóa đọc” đã đạt giải, để nâng cao và lan tỏa rộng rãi hơn nữa giá trị của văn hóa đọc. Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An bày tỏ: “Trao giải xong, các em lại trở về địa phương, và những thành quả của cuộc thi chưa được phát huy hết khả năng, rất lãng phí”.

Theo ThS. Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, để cuộc thi có sức lan tỏa đến mọi đối tượng, trong đó có những người khiếm thị, đề nghị Bộ VHTT&DL tăng cường các hoạt động của thư viện, phòng đọc sách, chỉ đạo thư viện các tỉnh, thành phố hàng năm bổ sung các đầu sách chữ Braille, audio, hỗ trợ người khiếm thị các trang thiết bị đọc sách như máy tính có phần mềm đọc văn bản, chuyển đổi tài liệu file ảnh sang word, máy scan, đầu đọc thẻ nhớ, máy nghe mp3, kính lúp… Tiếp tục tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên khiếm thị; đồng thời, tổ chức thêm các cuộc thi, mở rộng đối tượng cho cả người lớn tuổi để lan tỏa phong trào nghe, đọc sách trong cộng đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển văn hóa đọc ở Thủ đô, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Thư viện Hà Nội cho biết, Thư viện Hà Nội tăng cường công tác tham mưu và triển khai tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội hằng năm, xem đây là một hoạt động thiết thực góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc Thủ đô.

Nhìn lại kết quả của hành trình tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, theo bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn bộc lộ những hạn chế trong công tác chỉ đạo, công tác phối hợp giữa các cơ quan tổ chức cuộc thi. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí, nhân lực thực hiện tổ chức cuộc thi chưa được quan tâm đúng mức...: "Đề nghị các cơ quan, bộ, ngành, đơn vị, các thư viện quan tâm đánh giá toàn diện kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai tổ chức cuộc thi; Xác định ý nghĩa và tác động của Cuộc thi đối với cộng đồng, xã hội; chia sẻ, giới thiệu những mô hình, sáng kiến tổ chức Cuộc thi đạt hiệu quả; đề xuất kiến nghị đối với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để công tác tổ chức đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới".

Dù còn có những điểm tồn tại, nhưng nhìn một cách tổng thể, qua 4 năm tổ chức cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” đã tạo động lực khuyến khích học sinh, sinh viên lan tỏa tình yêu sách, gieo những hạt mầm đọc sách từ trong các nhà trường, đã tạo nên một hành trình lan tỏa tri thức, truyền lửa, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ, các tầng lớp học sinh, sinh viên trong cả nước.