Tác phẩm “Con đường tương lai” của nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn ra mắt bạn đọc vào một dịp ý nghĩa, kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Sự kiện do Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường, Sàn văn hóa học và đọc Việt Nam, Viện Nhân học Văn hóa và Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 29/4/2025 tại Thư viện Quốc gia.

Dày 992 trang, được chia thành 5 chương: “Nhân loại và hành trình tâm linh, hành trình từ quá khứ đến hiện tại, tới tương lai”, “Mô hình phát triển nền kinh tế bền vững và quản trị rủi ro nền kinh tế trong kỷ nguyên mới”, “Phát triển xã hội hài hòa bền vững - Một số dự phòng rủi ro xã hội”, “Tiến tới nền văn hóa dân tộc bền vững muôn đời và một số giải pháp quản trị rủi ro văn hóa”, “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và con đường tương lai”.

Với “Con đường tương lai”, tác giả Nguyễn Xuân Tuấn dẫn dắt bạn đọc qua một hành trình tâm linh, hành trình từ quá khứ đến hiện tại tới tương lai. Ở đó tác giả có những dự báo, trả lời cho những câu hỏi “hóc búa”: 5.000 năm nữa chúng ta sẽ ra sao?

“Cuốn sách sẽ giúp bạn chiêm nghiệm những bài học quá khứ, chắt lọc kinh nghiệm từ quá khứ để vững bước hướng tới tương lai. Mỗi người chúng ta đều có một con đường khác nhau để hành trình đến tương lai. Nhưng để con đường rộng mở thì cần có hành trang tri thức, nếu không chắc chắn sẽ nhiều chông gai” - Nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ cùng VOV2 về cuốn sách mới của mình.

Tại buổi lễ ra mắt, khi giới thiệu cuốn sách, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và môi trường Nguyễn Văn Khương cho biết, dự án sách “Con đường tương lai” được thực hiện từ năm 2019, với sự cố vấn của một đội ngũ đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự miệt mài của nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn. Dự án mong muốn mang đến cái nhìn sâu sắc về tương lai phát triển của đất nước trên các lĩnh vực, qua đó đóng góp một phần nhỏ bé vào tiến trình xây dựng một Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Cảm nhận về cuốn sách “Con đường tương lai”, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước cho biết, ông đã dành hơn 1 tuần để đọc đi đọc lại cuốn sách và nhận thấy đây là một công trình kết tinh từ tâm huyết, trí tuệ và khát vọng cống hiến của tập thể Hội đồng khoa học cùng cá nhân tác giả. "Cuốn sách góp phần mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả chúng ta. Cái tên “Con đường tương lai” là một cái tên rất hình ảnh, là một sự gợi mở và thúc đẩy cho tất cả chúng ta”.

Chịu trách nhiệm viết lời bạt cho cuốn sách, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Trần Gia Thái nhìn nhận, "Con đường tương lai" có sức cuốn hút rất mạnh mẽ khi bắt đầu từ chương đầu tiên trở đi. "Đọc suốt tác phẩm không thấy bóng dáng của triết luận, lý thuyết bác học cao xa mà đầy ắp những kiến thức, tri thức được lọc ra từ thực tế cuộc sống sôi động. Từ đó đúc rút về quá khứ, về tương lai rồi liên kết hai mảng đó với nhau để đưa ra những quan điểm nhận định của mình, vì thế mà người đọc dễ tiếp nhận”.

Đánh giá về ý tưởng, thông điệp mà cuốn sách mang lại cho độc giả, Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho rằng, ông nhìn thấy ở cuốn sách một chiều sâu khác. "Đó là sự mạnh mẽ, quyết đoán của nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn. Đặc biệt, tôi lấy làm tự hào khi tác giả đã dám xâm nhập vào vùng đất khó để thể hiện những ý tưởng của chính mình đưa vào cuốn sách".

Cuốn sách "Con đường tương lai" không chỉ là kết quả của một quá trình lao động trí tuệ bền bỉ, giàu tâm huyết mà ở đó còn chứa đựng tinh thần đầy nhân ái, gửi đến mỗi cá nhân, mỗi tổ chức trong xã hội hôm nay: hãy cùng chung tay khai mở trí tuệ, khơi dậy nội lực, gìn giữ bản sắc dân tộc và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước và nhân loại.

"Con đường tương lai" như một lời nhắc nhở và cũng là gợi mở về trách nhiệm của thế hệ hôm nay biết cảm ơn, trân trọng quá khứ; đam mê, nhiệt huyết ở hiện tại và trách nhiệm với tương lai./.