Đại tướng Văn Tiến Dũng, bí danh là Lê Hoài, sinh ra và lớn lên ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm). Sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, người thanh niên Văn Tiến Dũng tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 1934 khi mới 17 tuổi.

Được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh, chịu khó, ham học hỏi, dù tuổi đời còn trẻ nhưng ông đã sớm được Đảng giao nhiều trọng trách, với các cương vị như: Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội (1939), Bí thư Đảng bộ Bắc Ninh (1/1944), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (4/1944), Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (1945)… Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng ba lần bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man trong lao tù đế quốc, nhưng đồng chí vẫn trung thành tuyệt đối lý tưởng cao cả của Đảng, tìm mọi cơ hội vượt ngục để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã được Đảng giao trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn của quân đội ta như: chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), chiến dịch Trị-Thiên (1972), chiến dịch Tây Nguyên (3/1975). Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao trọng trách là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975).

Với tài năng quân sự xuất chúng và sự quyết đoán của người chỉ huy, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã quyết định thay đổi phương pháp tác chiến, chuyển hướng tiến công của Quân đoàn 4 từ tiến công thị xã Xuân Lộc sang bao vây, đánh địch vòng ngoài, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, phá tan “cánh cửa thép” - tuyến phòng thủ cuối cùng của Việt Nam cộng hòa, tạo điều kiện để đại quân ta thọc sâu vào nội đô. Từ đó, nắm thời cơ, chủ động tiến công, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đầu não của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - người từng trực tiếp tham gia các trận đánh dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Văn Tiến Dũng nhớ lại:

"Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh của chiến dịch Hồ Chí Minh, đó là tinh thần quyết chiến quyết thắng và táo bạo, đánh thần tốc bỏ qua các mục tiêu không cần thiết và nhanh chóng đánh vào các mục tiêu chính. Đó là cách đánh mới và đã tạo ra cho quân đội một sức mạnh hiệp đồng quân binh chủng, phát huy được sức mạnh của cả 3 thứ quân. Đó là nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng và sau này chúng ta vận dụng xây dựng lực lượng chính quy".

Trong tâm thức của Đại tá Trần Đức Báu, nguyên thư ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng là một vị tướng quyết đoán, mưu lược, cương nghị, nhưng cũng là nhà lãnh đạo nhân hậu, khoan dung. Trong đời thường, đồng chí sống rất chân thành, cởi mở, luôn quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ.

Điều đặc biệt ở Đại tướng Văn Tiến Dũng là mặc dù không được đào tạo qua trường lớp quân sự chính quy nào, nhưng với phẩm chất và nhất là tư duy, sự học tập và trải nghiệm qua thực tiễn chiến đấu, ông đã trở thành một vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Ông được giới nghiên cứu khoa học quân sự đánh giá là một trong những vị tướng danh tiếng của dân tộc Việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh.