Theo phong tục truyền thống của người Việt, trong dịp Tết, việc lì xì (mừng tuổi) cho người già, trẻ nhỏ mang ý nghĩa cầu mong những điều may mắn, tốt lành. Lì xì thay cho lời chúc người già nhiều sức khỏe, trường thọ, mong trẻ nhỏ sang năm mới chăm ngoan, học giỏi...

Với nhiều trẻ nhỏ, khoản tiền lì xì ngày Tết cũng... kha khá. Vậy nên xử lý thế nào với khoản tiền này cho hợp lý cũng là chuyện "đau đầu" của không ít bậc phụ huynh, bởi nếu chỉ sai lầm một chút rất có thể khiến trẻ có cái nhìn lệch lạc với đồng tiền.

Theo PGS.TS Đỗ Vân Anh, giảng viên Trường Đại học Công đoàn, Hà Nội, không ít cha mẹ quan niệm rằng "trẻ con chưa biết tiêu tiền", "trẻ con không nói chuyện tiền nong"... nên mặc nhiên coi khoản tiền đó là thuộc quyền sở hữu của mình, mình có thể tùy ý sử dụng mà không cần giải thích bất cứ điều gì với con. Tuy nhiên, suy nghĩ này không hẳn đã đúng.

Theo PGS.TS Đỗ Vân Anh, thay vì giữ số tiền đó, cha mẹ nên gợi ý, hướng dẫn con một cách khéo léo về một số kế hoạch, mục tiêu chi tiêu hợp lý. Ví dụ cha mẹ có thể giúp con chia ra làm 5 khoản: mua một món đồ con ao ước lâu nay, mua đồ dùng học tập, chi tiêu trong năm, nhờ cha mẹ gửi tiết kiệm, làm từ thiện…

Để trẻ biết quý trọng đồng tiền và quan trọng hơn là biết sử dụng số tiền mừng tuổi một cách hữu ích, nhiều gia đình đã có cách dạy trẻ bài học về nhận thức, sử dụng, quản lý tài chính khá thực tế. Khi con muốn có một đồ vật gì đấy thì nên giải thích cho con: đồ vật đó có thực sự cần thiết hay không? Có phù hợp với mức chi tiêu của gia đình hay không?... Trên cơ sở đó con sẽ tự đưa ra quyết định.

Tâm lý và tính cách của trẻ nhỏ là luôn muốn mua tất cả những thứ gì mình thích. Điều này sẽ khiến trẻ trở thành người chi tiêu theo cảm xúc, không biết xác định rõ nhu cầu của mình. Vì thế, theo kinh nghiệm của chị Nguyễn Hải Lý, quận Thanh Xuân, Hà Nội, điều quan trọng là nên cho con tham gia việc lập danh mục món hàng cần mua sắm, đồng thời dạy cho trẻ khái niệm “muốn” và “cần”. “Cần” là những thứ buộc phải có để tồn tại, còn “muốn” là những cái muốn có nhưng không phải thiết yếu. Và từ khi con còn nhỏ, chị Lý đã không giữ tiền lì xì Tết của các con mà còn tạo việc làm để các con có thu nhập chính đáng. Và nếu con chi hết tiền thì con lại phải làm việc để kiếm tiền, từ đó sẽ tạo cho con suy nghĩ: kiếm tiền rất khó nhưng tiêu tiền thì rất dễ.

Dạy con quản lý tài chính là cách giáo dục thông minh mà cha mẹ nên triển khai sớm bởi nếu được dạy cách dùng tiền theo lứa tuổi, trẻ sẽ biết dùng tiền lì xì như thế nào cho hợp lý. Điều này giúp trẻ hiểu được giá trị đồng tiền cũng như có ý thức tiết kiệm, tránh chi tiêu hoang phí về sau.