THAIFEX - Anuga Asia là hội chợ ngành hàng thực phẩm và đồ uống hàng đầu châu Á do Văn phòng Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp và Công nghiệp (DITP), Bộ Thương mại Thái Lan (DTIC) phối hợp với Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) và công ty Koelnmesse tổ chức. Diễn ra từ 23-27/5/2023, hội chợ năm nay có 5.500 gian hàng của 3.000 công ty từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Á, Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, Mỹ Latinh và Trung Đông tham dự, trong đó có nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ về những nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa ẩm thực Việt tham gia sân chơi toàn cầu.

PV: Xin chào bà Vũ Kim Hạnh. Bà đánh giá thế nào về nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa ẩm thực Việt ra thế giới?

Bà Vũ Kim Hạnh: Đầu tiên chúng ta phải nhắc tới yếu tố bối cảnh. Hai năm dịch bệnh cộng với tình hình kinh tế suy thoái khiến nhiều doanh nghiệp Việt đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể tồn tại. Nhưng thật sự tôi rất mừng khi vừa sang đây đã được thấy những gian hàng vừa phong phú vừa đẹp mắt tại THAIFEX – Anuga Asia 2023. Có thể dùng từ “họ cố gắng hết sức bình sinh để chen chân vào thị trường ẩm thực thế giới”.

Như QP Foods năm ngoái còn ở chung trong gian Hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng năm nay đã có một gian hàng riêng rất đẹp, tươm tất đúng như slogan beautiful kitchen, thể hiện lòng tôn trọng với khách hàng. Thật sự tôi rất vui mừng và tự hào khi nhìn thấy những trái cà chua mang từ Măng Đen sang, rồi những miếng cá sấy đông khô dùng cho món bún cá.

Một điều tự hào nữa: gian hàng này là minh chứng cho trí tuệ Việt Nam. Các bạn có biết là những miếng cá này được sấy đông khô bằng công nghệ “made by Viet Nam” – một công nghệ độc quyền do anh Nguyễn Lâm Viên của công ty Vinamit phát triển. Phần bao bì cũng được thiết kế bởi người Việt là anh Nguyễn Thanh Mỹ. Có thể nói những gì tốt nhất, tinh túy nhất đã được các bạn ấy mang đến đây - hội chợ ẩm thực có quy mô lớn thứ 4 thế giới và số 1 châu Á. Tôi hy vọng, tham dự THAIFEX lần này các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ký kết được nhiều đơn hàng lớn với các đối tác thương mại.

PV: Với vai trò của mình, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã có những chiến lược và chính sách gì để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp để tham gia sân chơi lớn này, thưa bà?

Bà Vũ Kim Hạnh: Chúng tôi đã khởi động Chương trình hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp với tài nguyên bản địa và công nghệ mới, tức là khởi nghiệp bằng đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Trong số những bạn mà chúng tôi hỗ trợ, ngoài QP Foods hôm nay tôi còn thấy ở đây một bạn trẻ khởi nghiệp từ một farm ở miền núi phía Bắc, bạn ấy mang đến đây mật ong lên men rất được đối tác chú ý. Hãy hình dung những người trẻ từ bỏ cuộc sống thoải mái nơi thành thị, lên núi sống giữa núi rừng để khởi nghiệp với những hoài bão, ước mơ lớn. Họ có ở khắp nơi trên cả nước, từ biên giới phía Bắc đến mũi Cà Mau, từ Tây Nguyên đến Măng Đen, Quảng Nam…

Cũng phải nhắc đến vợ chồng Duy và Quý Phương. Tôi cảm nhận được họ rất say mê với công việc này. Hai bạn đã đầu tư xây dựng nhà máy ở Kon Tum, học hỏi và làm việc với các đối tác khắp thế giới để nghiên cứu phát triển thành công sản phẩm như phở bò, bún tôm, bún cá, xôi gà, cháo tôm để giới thiệu tại THAIFEX lần này. Thật sự với tôi đó là những câu chuyện vô cùng truyền cảm hứng! Những gì tôi kỳ vọng đều đã được hiện thực hóa tại đây.

PV: Thưa bà, yếu tố công nghệ có vai trò như nào trong việc giúp quảng bá ẩm thực Việt Nam ra với bạn bè quốc tế?

Bà Vũ Kim Hạnh: Nguyên liệu ẩm thực Việt từ lâu đã được công nhận là nằm trong số những loại nguyên liệu tốt hàng đầu. Nhưng chúng ta đâu thể xuất những nguyên liệu tươi đi ra thế giới, vì quá trình vận chuyển sẽ khiến chúng hỏng hóc, mất đi mùi vị tươi ngon. Vậy thì vấn đề ở đây quay về phương pháp bảo quản làm sao không chỉ giữ được vị tươi ngon mà còn phải nâng tầm chất lượng nguyên liệu.

Ví dụ như công nghệ sấy khô mà chúng ta vừa đề cập. Rất tự hào rằng đó là một công nghệ được sáng chế bởi người Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ. Tôi biết anh Nguyễn Lâm Viên đã dành nhiều năm không chỉ để nghiên cứu ra phương pháp này, mà còn lấy được bằng sáng chế của Hoa Kỳ để thuận lợi khi áp dụng cho xuất khẩu. Đó là một nhận thức rất đúng, bởi vì trong cuộc cạnh tranh xuất khẩu ẩm thực ở tầm thế giới, công nghệ đóng vai trò quyết định bên cạnh những yếu tố như đảm bảo an toàn thực phẩm hay có được nguồn nguyên liệu tốt nhất.

Chúng ta ở trong nước vẫn tự khen nhau rằng nông sản của Việt Nam ngon, nhưng đôi khi công nghệ không đảm bảo để đưa được mặt hàng đó đi ra thế giới. Mà nếu mua công nghệ của thế giới thì lại rất đắt tiền. Do đó câu chuyện lại quay về việc là người Việt Nam làm sao vận dụng bộ óc thông minh, sáng tạo để phát minh ra những công nghệ bảo quản độc quyền, như thế không chỉ hỗ trợ được lẫn nhau mà còn bán được công nghệ, trí tuệ (IP) cho thế giới.

Có câu nói rằng: “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Doanh nghiệp Việt để đi xa thì cần có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Tôi rất mừng là trong Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chúng tôi đã tạo ra được môi trường để các bạn doanh nhân trẻ hỗ trợ lẫn nhau.

PV: Xin cảm ơn bà Vũ Kim Hạnh về những chia sẻ vừa rồi.

Một số hình ảnh tại Hội chợ THAIFEX - Anuga Asia 2023: