Việt Nam vừa có thêm 23 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Như vậy, tròn 10 năm với 10 đợt vinh danh, bảo vật quốc gia của Việt Nam đến nay đã có 238 hiện vật, nhóm hiện vật. Trong đợt công nhận thứ 10 này, có một nhóm hiện vật thuộc bộ sưu tập tư nhân, đó là sưu tập gốm men trắng An Biên, thuộc bộ sưu tập tư nhân An Biên của ông Trần Đình Thăng (Hải Phòng). Hay bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước, hiện lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia. Đó là hành trình lao động sáng tạo công phu của người họa sĩ đã làm ra 112 bản nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chì chi tiết về Quốc huy Việt Nam…

Bảo vật quốc gia là những hiện vật độc bản được lưu giữ, mang giá trị đặc biệt quý hiếm và tiêu biểu cho các giai đoạn, khuynh hướng phát triển của đất nước về lịch sử, văn hóa khoa học... Chia sẻ với VOV2, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, việc công nhận này càng khẳng định một điều, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến di sản của đất nước với mong muốn có thể lưu truyền cho thế hệ sau. "Đặc biệt lần này có thêm 9 hiện vật của tư nhân thì đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện Luật Di sản đã đi được vào thực tiễn cuộc sống”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

23 bảo vật quốc gia được công nhận lần này chia theo các niên đại: Từ trước Công nguyên tới thế kỷ 11 gồm:

Trống đồng Gia Phú (thế kỷ 3-2 trước Công nguyên, Bảo tàng Lào Cai)

Thạp đồng văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 3-2 trước Công nguyên, Bảo tàng Quảng Ninh)

Mặt nạ vàng Giồng Lớn (thế kỷ 1 trước Công nguyên-thế kỷ 2 sau Công nguyên, Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu)

Sưu tập qua đồng Long Giao (thế kỷ 1-3, Bảo tàng Đồng Nai)

Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc (thế kỷ 3-4, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo, An Giang)

Nhẫn Nandin Giồng Cát (thế kỷ 5, Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo, An Giang)

Tượng thần Vishnu Bình Hòa (thế kỷ 6-7, Bảo tàng Đồng Nai)

Sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi Gò Thành (thế kỷ 6-8, Bảo tàng Tiền Giang)

Đài thờ Mỹ Sơn A10 (thế kỷ 9-10; khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam)

Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long (thế kỷ 11, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội)

Các bảo vật quốc gia có niên đại từ thế kỷ 11-17 gồm:

Sưu tập gốm men trắng An Biên (thế kỷ 11-12, sưu tập tư nhân An Biên, Hải Phòng)

Phù điêu Thần Hộ pháp Mả Chùa (thế kỷ 12; Bảo tàng Bình Định)

Thống gốm hoa nâu An Sinh (thế kỷ 13, Bảo tàng Quảng Ninh)

Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 13-14; Bảo tàng Quảng Ninh)

Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng (thế kỷ 14, Phú Thọ)

Hai bát sứ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long (thế kỷ 15, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội)

Bình gốm men vẽ nhiều màu (thế kỷ 15, Bảo tàng Quảng Ninh)

Tháp đất nung đền An Xá (thế kỷ 16-17, Hưng Yên)

Cây hương chùa Tứ Kỳ (thế kỷ 17, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Hương án chùa Keo (thế kỷ 17, Thái Bình)

Các bảo vật quốc gia niên đại thế kỷ 19 gồm:

Ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo (năm 1827, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh (năm 1885; Bảo tàng Bắc Ninh)

Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước (năm 1953-1955; Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ)

Có thể nói, bảo vật được xem như diện mạo văn hoá của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, việc lựa chọn, công nhận hiện vật nào trở thành bảo vật là cả quá trình cân nhắc kỹ lưỡng của các cơ quan có trách nhiệm. Tuy nhiên, cùng với đó còn là câu chuyện bảo tồn, khai thác giá trị của các bảo vật sao cho xứng tầm.

"Có những việc hiện nay chúng ta chưa làm được như những bảo vật nằm ở bảo tàng địa phương hoặc di tích thì chế độ bảo quản chưa xứng tầm của bảo vật quốc gia nên nguy cơ bị mất cắp, nguy cơ bị hỏng là rất lớn. Bên cạnh đó việc đưa bảo vật quốc gia đến với công chúng để công chúng hiểu rằng bảo vật quốc gia quý như thế nào, để góp công sức vào nghiên cứu tìm tòi như thế nào thì việc này chúng ta cũng chưa làm tốt". PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ.

Với những giá trị khác biệt, rõ ràng các bảo vật quốc gia cần có cách tiếp cận và ứng xử riêng, khác với những hiện vật thông thường. Và thực tế, vào tháng 3 năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cũng như phát huy di tích của các bảo vật quốc gia. Và để làm tốt điều này, rất cần sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, làm sao để những bảo vật quốc gia thực sự phát huy được giá trị và luôn là niềm tự hào của đất nước.