Ra đời trước cách mạng tháng Tám, khi đất nước trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã đề ra 3 nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Cho đến nay, 3 nguyên tắc này vẫn được xem là kim chỉ nam cho văn hóa Việt Nam. Đó là khẳng định của PGS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, bản Đề cương với 3 nguyên tắc nêu trên đã giúp chúng ta chuyển từ nền văn hóa về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản sang một nền văn hóa mới cách mạng dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung. Điều này cho thấy Đề cương đã thể hiện được tư duy, tầm nhìn và khát vọng của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc.
"Nhìn lại lịch sử 8 thập kỷ thì mỗi giai đoạn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, chúng tôi thấy những nội hàm của 3 nguyên tắc này đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn hơn. Vận dụng nguyên tắc dân tộc hóa thì Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống rồi tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm giàu văn hóa của dân tộc. Khi vận dụng nguyên tắc về khoa học hóa thì Đảng khẳng định là phát triển nền văn hóa tiên tiến với giá trị tiến bộ nhân văn thì phải dựa trên tinh thần khoa học phù hợp với quy luật động phát triển của thời đại. Vận dụng nguyên tắc đại chúng hóa thì Đảng ta đã khẳng định là phải bảo đảm được quyền hưởng thụ, quyền tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, hoạt động nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng, phát triển các thiết chế văn hóa, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, các giai tầng xã hội, giữa thành thị với nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi, giữa vùng sâu, vùng xa", ông Trần Thanh Lâm phân tích.
80 năm qua, dân tộc, khoa học, đại chúng - những thuật ngữ đã trở thành khẩu hiệu, mệnh lệnh trong suy nghĩ, hành động của mỗi người dân Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện công cuộc đổi mới và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, xã hội ngày nay đã đòi hỏi văn hóa phải gánh vác thêm những nhiệm vụ quan trọng khác, trong đó chiến lược phát triển các ngành nghiệp văn hóa tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu văn hóa đóng góp cho đất nước khoảng 7% GDP. Trong bối cảnh ấy, những nội dung của bản Đề cương từ 80 năm trước vẫn được nhắc đến.
Theo PGS.TS Từ Thị Loan, chúng ta không thể phát triển được một ngành công nghiệp văn hóa mà lại hoàn toàn là vay mượn hay dựa dẫm, mô phỏng theo văn hóa nước ngoài. Nếu bây giờ muốn phát triển công nghiệp văn hóa, tức là công nghiệp văn hóa có sức lan tỏa rộng rãi thì chúng ta phải phát triển tinh thần đại chúng, tức là một nền văn hóa dành cho số đông, đông đảo quần chúng, đông đảo nhân dân.
Ba nguyên tắc xây dựng văn hóa được ghi rõ trong Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn trường tồn như 3 trụ cột chính để hình thành nên đời sống văn hóa Việt Nam ngày nay. Hơn 80 năm qua, những nguyên tắc ấy đã được kế thừa, được bồi đắp giúp cho văn hóa trở thành một sức mạnh nội sinh và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước bền vững, phồn vinh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Mời nghe âm thanh tại đây: