Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024 diễn ra tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô- Sơn Tây- Hà Nội) là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Tuần Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”.
Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong giai đoạn hiện nay", Liên hoan có sự tham gia của 14 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng với những tiết mục đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó trưởng Ban tổ chức Liên hoan khẳng định, di sản văn hóa Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc do nhân dân lao động sáng tạo gắn liền với cuộc sống hàng ngày, trở thành nhu cầu trong đời sống tinh thần của nhân dân. "Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Tày, Nùng, Thái được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Liên hoan cũng là dịp để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" đã được UNESCO ghi danh.
Mỗi diễn viên, nghệ nhân tham gia Liên hoan đều rất tự hào vì được góp phần quảng bá những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc mình với công chúng cả nước. Lần đầu tiên tham gia liên hoan, nghệ nhân ưu tú Chu Thị Thà, 71 tuổi ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng rất vui và tự hào khi được mang những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày của mình để giới thiệu đến đông đảo đồng bào trong cả nước.
“Tôi rất yêu thích nghệ thuật hát Then- đàn Tính của người Tày và mong muốn lớn nhất của tôi là những vốn quý này sẽ được lan tỏa rộng rãi để nhiều người biết đến” – Nghệ nhân ưu tú Chu Thị Thà bày tỏ.
Nghệ nhân Nông Thị Bành, người dân tộc Tày ở thôn 4 xã Cư Mốt, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk vốn quê gốc ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vào Tây Nguyên làm ăn. Vì yêu quý nghệ thuật hát Then- đàn Tính của đồng bào mình và để vơi nỗi nhớ quê hương khi đi làm ăn xa xứ, Nông Thị Bành đã cùng với Hoàng Thị Thu và một số chị em yêu mến bộ môn nghệ thuật này đã thàng lập CLB hát Then- đàn Tính thôn 4, xã Cư Mốt. Từ khi CLB hoạt động đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con đồng bào dân tộc Tày và các dân tộc khác tại xã Cư Mốt và các xã lân cận.
“Tôi thích hát Then – đàn Tính từ nhỏ nhưng khi vào Tây Nguyên làm ăn ban đầu tôi buồn lắm vì không có đàn, cũng không có người đàn, hát. Mãi sau có cơ hội tìm được người chế tác đàn, tôi tự mày mò để học và rủ một số chị em trong thôn cùng là đồng bào người Tày ở ngoài Bắc vào thành lập một câu lạc bộ hát Then- đàn Tính. Dfến nay, CLB đã thu hút được 26 người tham gia. Giờ thì tiếng hát Then- đàn Tính thường xuyên được vang lên giữa núi rừng Tây Nguyên, tôi vui lắm và mong các cháu trẻ tiếp nối được vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình dù có ở nơi đâu”- nghệ nhân Nông Thị Bành chia sẻ.
Trong khuôn khổ Liên hoan còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống; trình diễn nghề truyền thống dệt thổ cẩm và chế tác đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực các dân tộc; trưng bày ảnh “Di sản nghệ thuật hát Then-đàn tính”; trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Then trong đời sống các dân tộc Tày, Nùng, Thái; biểu diễn giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn tính.
Đặc biệt, Liên hoan lần này cũng là lần đầu tiên các nghệ nhân, diễn viên của 14 tỉnh, thành cùng tham gia diễu hành trên các tuyến phố trung tâm Hà Nội và biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính tại khu vực sân khấu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vào chiều 17/11/2024.
Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Liên hoan lần này cũng thêm một cơ hội nối dài để tiếng hát Then - tiếng đàn Tính mãi ngân vang.