Ở làng Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội có một địa điểm rất đặc biệt. Đây là nơi nhiều em nhỏ tìm đến, trong đó có những em ham vui đến nỗi “quên” cả lối về. Thế nhưng, cha mẹ thay vì lo lắng, còn khích lệ con em mình tìm đến nơi này. Đó là thư viện làng Hưng Giáo.

Nơi trẻ ham vui, quên lối về

Hơn 3 tháng nay, vào hai ngày cuối tuần, căn phòng nhỏ tĩnh lặng cạnh đình làng với tấm biển “Thư viện Hưng Giáo” và không gian thoáng mát bên ngoài thường xuyên có tiếng nói cười của nhiều trẻ em trong làng.

Là người ham mê đọc sách, từ khi làng có thư viện, cháu Hướng Nguyễn Minh Anh luôn mong chờ đến ngày nghỉ cuối tuần. Tới đây, ngoài các loại sách hỗ trợ cho việc học tập, Minh Anh còn được thỏa sức lựa chọn những cuốn truyện tranh. “Đọc sách rất bổ ích, giúp con khám phá bầu trời tri thức và giải trí”, Minh Anh chia sẻ.

Khi đến thư viện, Minh Anh cũng như phần lớn các em nhỏ đều không muốn về. Tại đây, không chỉ được đắm mình trong thế giới sách, các em còn có thể tham gia một số hoạt động về thể chất và trí tuệ rất bổ ích như chơi các trò chơi dân gian, giao lưu cờ vua, cờ tướng, vẽ tranh… Những hoạt động này có sức lôi cuốn rất lớn đối với Bùi Huyền Chi, học sinh lớp 6, trường Trung học cơ sở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. “Ở đây có nhiều trò chơi, cờ vua, cờ tướng để rèn luyện thể chất, trí tuệ và sáng tạo. Con thích nhất là vẽ tranh, là trải nghiệm giúp con thỏa mái đầu óc và tự hào khi nhìn thành quả”, Huyền Chi chia sẻ.

Trước đây, khi chưa có thư viện, nhiều em nhỏ thường có thói quen xem tivi, chơi các trò chơi điện tử. Lo lắng về sự nguy hại, cha mẹ thường chỉ khuyên nhủ con hạn chế, chứ không biết động viên, khuyến khích con tham gia vào hoạt động gì. Vì thế, từ khi làng có thư viện, nơi đây còn trở thành điểm hẹn của những cặp vợ chồng có con nhỏ. Gia đình anh Lê Quang Thành là một trong số đó. Cuối tuần, anh Thành đều cùng vợ và con đi bộ ra thư viện. “Hoạt động của thư viện rất thiết thực. Cho con tới đây, vợ chồng tôi đọc sách, bổ sung kiến thức về đời sống, xã hội, đồng thời lan tỏa văn hóa đọc cho con. Hoạt động này cũng giúp con tránh xa tivi và điện thoại”, anh Thành chia sẻ.

Cứ như vậy, xen lẫn giữa không gian của sách với văn hóa đọc là các trò chơi dân gian và trí tuệ rất bổ ích. Thư viện làng Hưng Giáo từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay trở thành điểm đến lý tưởng. Cứ đến cuối tuần, các em nhỏ lại tìm đến mải mê với những trang sách và say sưa với các trò chơi dân gian, trí tuệ cùng với những hoạt động giao lưu mà quên cả lối về.

Khi tất cả vì lợi ích chung

Chỉ là thư viện “làng” nhưng số lượng sách khá lớn, đa dạng về thể loại và phong phú về nội dung, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Gọi là thư viện nhưng nơi đây còn tổ chức cả các hoạt động văn hóa, giải trí. Bất ngờ hơn, thư viện từ khi triển khai xây dựng cho đến lúc hoàn thành và đi vào hoạt động chỉ trong khoảng thời gian một tháng. “Trước đây, cha ông chúng tôi đã thành lập hòm sách, tủ sách qua. Năm 2024, các bạn trẻ ở làng Hưng Giáo bày tỏ mong muốn làm một thư viện để mang tri thức, niềm vui đến cho con em địa phương. Ngay khi trình bày, ý tưởng đã được chính quyền và người dân nhất trí, ủng hộ. Tất cả cùng nhau thực hiện, chỉ trong một tháng đã xong”, bà Trịnh Thị Thu Hà, Phó Chủ nhiệm CLB Thư viện Hưng Giáo, tự hào.

Bà Hà cho biết nhiều bà con trong làng đang làm ăn ở nơi xa, khi biết địa phương xây dựng thư viện cũng gửi sách, gửi tiền về ủng hộ. “100% sách của thư viện là dân trong làng ủng hộ. Ngoài ra, bà con còn đóng góp được hơn 100 triệu để mua một số trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của thư viện”, bà Hà cho biết.

Chung tay góp sức với lợi ích chung nên ai nấy đều vui và nỗ lực hết khả năng tùy theo điều kiện và sức khỏe của mình. Đây là chia sẻ của bà Lê Thị Bích Lệ. “Khi làng tiến hành xây dựng thư viện, tôi mừng lắm. Bản thân tôi, tôi thấy mình còn sức khỏe và từng làm nghề giáo, có chút hiểu biết về nhất định về thư viện nên tôi ra tham gia sắp xếp lại sách, hướng dẫn cho các con đọc”, bà Lệ chia sẻ.

Để thư viện hoạt động hiệu quả, nhiều thầy cô đang giảng dạy tại các trường học trên địa bàn xã Tam Hưng cũng tham gia vào việc sắp xếp, bố trí, hướng dẫn đọc và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho các em nhỏ. “Thư viện thành lập Ban chỉ đạo, chia ra các tổ, như tổ truyền thông, tổ kỹ thuật,… Mỗi tổ phụ trách một phần việc, ai có khả năng và nguyện vọng tham gia và đóng góp gì đều có thể đăng ký. Như đợt Trung thu vừa rồi, chúng tôi tổ chức hoạt động làm bánh, nấu chè, mỗi người, mỗi nhà đều có thể tham gia tùy theo khả năng của mình để mang đến cho các con trải nghiệm thú vị và ý nghĩa về ngày Tết Trung thu”, bà Hà cho biết.

Thực tế cho thấy rất nhiều em nhỏ có sở thích và ham đọc sách. Người dân cũng thấy rõ lợi ích của thư viện. Tuy nhiên, do chưa tìm được tiếng nói chung, thiếu quyết tâm nên những ý tưởng về việc tạo ra không gian đọc sách thú vị, kết hợp với các hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh như ở Hưng Giáo vẫn chỉ nằm trên giấy. Tác giả bài viết này mong rằng các địa phương quan tâm hơn nữa, quyết tâm hơn nữa đến việc đọc của các em nhỏ để những mô hình thư viện như ở Hưng Giáo sẽ được nhân rộng, để những “mầm xanh” của đất nước có thêm điều kiện và cơ hội phát triển bản thân.

Nghe bài viết dưới đây: