“Luật Điện ảnh không phải để xử lý tất cả các vấn đề về điện ảnh. Luật Điện ảnh là một luật nằm trong hệ thống pháp luật nói chung. Lĩnh vực điện ảnh được điều chỉnh bởi nhiều văn bản qui phạm pháp luật khác, một số mang tính chất chuyên ngành”. Đó là phát biểu của ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT&DL trong Hội thảo Đóng góp ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa diễn ra ở Hà Nội.

Bổ sung cho nhận định này, Tiến sĩ Nguyễn Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Các luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh, Luật Trẻ em, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, Luật Báo chí, Luật Du lịch, Luật Công nghệ Thông tin… tạo nên khung pháp lý khá hoàn chỉnh hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam”.

Nhận định như vậy xem ra không sai, nhưng nói đúng thì cũng không hẳn. Đồng ý luật thì chúng ta có đầy đủ, thậm chí thừa, nhưng luật đó có “hỗ trợ” cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam hay không thì cần xem xét tiếp.

Tại hội thảo đóng góp ý kiện Luật Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng phải thừa nhận: “Các chính sách hiện nay đang hạn chế hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh. Các dịch vụ cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều qui định khác. Giấy phép còn chồng chéo, quy trình còn nhiều bước, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, cho nhà sản xuất”.

Luật Điện ảnh hiện hành cũng được mô tả là, chỗ chặt thì rất chặt, “con kiến cũng chẳng lọt khe”, chỗ thưa thì lại thưa, chẳng hạn như khâu quản lý phim trên nền tảng kỹ thuật số, luật hiện tại không có điều khoản nào, dẫn đến thất thoát lớn về thuế, để lọt nhiều ấn phẩm văn hóa cho người xem trong nước.

Sự chồng chéo còn thể hiện ở việc, hội thảo vừa qua được các hãng phim xem là cơ hội để nói ra những bức xúc của mình với lãnh đạo Bộ VH-TT&DL. Tại sao lại như thế, nếu không phải vì, bình thường các hãng rất khó gặp lãnh đạo Bộ, đề đạt nguyện vọng lên rất lâu mới được hồi đáp. Luật có nhiều, nhưng nhiều mà vẫn thưa, vẫn có vùng xám, thế thì phải xem lại. Nhưng kể cả luật đã kín kẽ, chặt chẽ, phủ mọi khoảng trống, mà vẫn không hiệu quả thì vấn đề lại ở cơ quan thực thi luật, cũng chính là Bộ VH-TT&DL.

Nói đi thì cũng phải nói lại, các hãng phim đều có bộ phận pháp chế, nhưng khi có bất cứ một thiệt hại gì thì lại rất loay hoay, không biết kêu cửa nào cho đúng. Trở lại chính ví dụ trên đây về vi phạm sở hữu trí tuệ, nếu cơ quan nhà nước xử sai, cảm thấy bản thân bị thiệt, tại sao hãng phim không kiện lên cấp cao hơn?

Cuối hội thảo về luật điện ảnh vừa qua, trả lời mang tính chất giải đáp thắc mắc, ông Lê Thanh Liêm có nói rằng: “Hiện nay Bộ đã trình Chính phủ Nghị định xử phạt về văn hóa và quảng cáo, trong đó có nội dung liên quan đến điện ảnh. Mức xử phạt sẽ tăng lên 31%. Các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ sẽ xử theo Luật Sở hữu trí tuệ, mà ở đây có quyền tác giả và quyền liên quan, và cũng gắn với cả Luật Vi phạm hành chính nữa. Thậm chí nếu đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng có thể làm được. Cho nên các anh chị cứ yên tâm là không phải vì Luật Điện ảnh không nói gì về lĩnh vực này mà chúng ta không có chế tài xử lý”.

Hy vọng rằng, với sự chặt chẽ của hệ thống luật pháp, sự mẫn cán, trách nhiệm của cơ quan thực thi luật thì sẽ tránh khỏi những sự việc tương tự như thế này ở thì tương lai, đó là phim “Cô ba Sài Gòn” vừa ra rạp vài hôm đã bị chia sẻ lậu trên mạng. Phim đầu tư cả chục tỷ đồng nhưng người vi phạm lại chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính có 15 triệu đồng!