Ngược dòng thời gian, cách đây 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12/1972, trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ. Chiến thắng đó mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra từ ngày 18/12 đến ngày 30/12/1972. Tại chiến dịch này, Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52, hay còn gọi là pháo đài bay B52 làm nòng cốt để ném bom rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác. Theo Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam.

"Để huy động đánh phá miền Bắc bằng B-52, Mỹ đã huy động đến 193 chiếc máy bay B-52 trong tổng số 400 chiếc mà nước Mỹ có. 50 chiếc máy bay đầu ở sân bay Utapao, Thái Lan và 143 chiếc khác từ đầu căn cứ Eresson trên đảo Guam. Mỹ đã huy động thêm đến 175 máy bay tiếp dầu trên không. Đấy là những máy bay vận tải khổng lồ chở dầu cho B-52, huy động gần 1.000 máy bay chiến thuật của cả không quân trên đất Thái Lan, ở miền Nam Việt Nam và 4 tàu chiến của Mỹ, 4 tàu sân bay trên vịnh Bắc Bộ", Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát chia sẻ.

Cũng theo Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát, thời điểm đó, B-52 là cụm từ khiến cả thế giới khiếp sợ vì sức mạnh và sự hủy diệt của nó. Mỗi chiếc B-52 có thể mang trong mình từ 100 đến 150 quả bom với trọng lượng trên 30 tấn và phát nổ trong thời gian từ 3 đến 10 giây. Do đó B-52 được mệnh danh là pháo đài bay, là kẻ đi săn mồi bậc nhất lúc bấy giờ bởi trên thế giới từ khi nó xuất hiện tới năm 1972 chưa có một quân đội nào, một loại vũ khí nào chạm vào được.

Phương pháp gây nhiễu của Mỹ đã thành công “bịt mắt” Sam 2, nhiễu điện tử của Mỹ giống như một chiếc áo phủ kín B-52 tạo thành một lớp chắn an toàn khiến chúng ta không thể xác định được mục tiêu và trên màn hình ra đa chỉ toàn một màu trắng xóa. Chủ quan và yên tâm với sức mạnh mang tên B-52 và phương pháp gây nhiễu cùng với đội hình yểm trợ của mình, Mỹ đã tự tin tiến vào Hà Nội.

Để phản kích pháo đài bay B-52, Quân chủng Phòng không - Không quân cử đoàn cán bộ giỏi vào các chiến trường để nghiên cứu cách chống nhiễu. Từ thực tế chiến trường, bộ đội ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Tháng 10/1972, cuốn cẩm nang bìa đỏ đánh B-52 của Hà Nội được xuất bản, đồng nghĩa với việc chúng ta đã sẵn sàng chống B-52. Đêm ngày 27/12, Thượng úy phi công Phạm Tuân khi đó (nay là Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân) nhận lệnh cất cánh. Bao áp lực bắn hạ B-52 của lực lượng không quân được giải tỏa khi ông đã tiêu diệt được mục tiêu.

"Khi tôi bắn được B-52 thì tôi rất phấn khởi, phấn khởi không phải tôi nghĩ là tôi bắn rơi B-52 mà là Không quân nhân dân Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho là B-52 vào thì chúng ta cất cánh và đánh thắng. Niềm vui là niềm vui chung, tôi là người đại diện dồn sức mạnh của tất cả các lực lượng từ mặt đất, từ người phục vụ, từ anh thợ máy, anh dẫn đường dồn vào và phi công là tôi đã thực hiện được gửi gắm về tình cảm, về mong mỏi và đây là phấn khởi chung của không quân nhân dân Việt Nam chúng tôi".

Trong ký ức Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tên lửa 57, Sư đoàn Phòng không 361- một trong những đơn vị trấn giữ Thủ đô thời điểm đó, khi đã hạ gục được B-52, quân đội và nhân dân Việt Nam đã giáng một đòn bất ngờ cho địch, qua đó khẳng định một điều chúng ta có thể và đủ khả năng đánh B-52 cũng như là chiến thắng B-52.

Chiến thắng này cũng cho thấy sức mạnh đoàn kết toàn dân, toàn quân để bảo vệ bầu trời, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng trước kẻ thù hơn ta về nhiều mặt. Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đánh giá: "Trong cuộc đọ sức 12 ngày đêm thì phía Mỹ hơn chúng ta 3 điều: Thứ nhất là số lượng đông hơn; thứ hai là máy bay vũ khí hiện đại hơn; thứ ba là đội ngũ phi công đào tạo rất cơ bản. Phía ta thì bộ đội thì ít hơn, tuy nhiên, về trình độ chiến đấu thì khả năng không chiến của phi công ta khi ấy không thua kém các phi công Hoa Kỳ, chưa kể chúng ta có một phần nổi trội hơn bởi kinh nghiệm tác chiến nhiều hơn. Nhiều phi công Mỹ có khi chưa gặp Mig lần nào. Tôi thấy nếu so sánh về lực lượng thế và lực lúc bấy giờ chúng ta cũng không có thua gì họ".

Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, trong 12 ngày đêm (từ ngày 18/12 đến ngày 29/12/1972), quân và dân miền Bắc đã tiến hành Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, làm nên chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Mời nghe âm thanh tại đây: