Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Trong tư tưởng của Người, đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo là một nội dung cốt lõi, là sức mạnh và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam. Với tư tưởng ấy, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập và xây dựng đất nước từng bước đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo thành cội nguồn sức mạnh Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngay từ những ngày đầu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo”. Có thể nói, Người đã nhìn ra bản chất của đoàn kết và đã kêu gọi đoàn kết vì lợi ích chung của cả dân tộc và của chính các tôn giáo. Đây là quan điểm mang tính nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta trong đường lối của mình,
"Ai cũng biết câu: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công. Rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và hiểu một cách sâu sắc vấn đề này để phát huy trong hoạt động cách mạng, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng cho nên cách mạng ta mới giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Chúng ta cùng nhớ lại thời kỳ khi chúng ta mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, khó khăn chồng chất, nhưng vì có tinh thần đoàn kết cho nên chúng ta mới chiến thắng. Vì vậy Bác Hồ rất quan tâm đến đoàn kết. Mà đoàn kết ở đây là đoàn kết tất cả không phân biệt giai cấp, tôn giáo", TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ.
Cũng theo TS Nguyễn Viết Chức, trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Nhất là trong bối cảnh mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là một yêu cầu thiết yếu. Có thể nói, qua thăng trầm lịch sử, chúng ta càng hiểu rằng có đoàn kết mới có trường tồn và phát triển được. Quan điểm của Đảng ta về tư tưởng đoàn kết dân tộc, tôn giáo luôn được phát huy cao độ trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh của đất nước. Tinh thần ấy chính là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta vượt qua những khó khăn, thách thức và điều này được thể hiện mạnh mẽ, sinh động trong thực tiễn đời sống xã hội, nhất là trong những ngày tháng cả dân tộc gồng mình ứng phó, chống lại đại dịch Covid-19. Khi đó, tất cả dân tộc, từ người già đến trẻ nhỏ, mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo đều chung tay cùng với chính quyền, với nhân dân không phân biệt tôn giáo nào trong công cuộc chống bệnh dịch cũng như trong công cuộc xây dựng phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch. Sự chung sức, đồng lòng đó đã đem lại những thành quả tích cực trong phát triển và phục hồi kinh tế của Việt Nam, được quốc tế đánh giá cao.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo cùng tồn tại trong lòng dân tộc và bình đẳng trước pháp luật. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước, Đảng đã ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo để xây dựng và phát triển đất nước.
Mời nghe cuộc trao đổi của phóng viên VOV2 với TS Nguyễn Viết Chức tại đây: