Đồng bào dân tộc Chơ Ro (còn có tên gọi khác là Châu Ro, Giơ Ro) hiện có khoảng 30.000 người, cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng bào Chơ Ro còn lưu giữ được vốn văn hóa truyền thống phong phú. Trong đó đàn tre Goong Cla là một nhạc cụ độc đáo, sáng tạo của người dân Chơ Ro.

Nghệ nhân Điểu Liệt ở xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết, người Chơ Ro hiện nay vẫn giữ được nhiều phong tục, tập quán và nghi lễ truyền thống như lễ cúng thần lúa, cúng thần rừng, lễ hội cầu mưa, lễ dựng cây nêu, lễ mừng cơm mới và các lễ thức trong chu kỳ vòng đời. Trong các nghi lễ ấy, ngoài cồng chiêng thì cây đàn tre Goong Cơ La là nhạc cụ không thể thiếu.
Từ xa xưa, cây đàn tre gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của người Chơ Ro cả khi chung vui cùng cộng đồng hay một mình trên rẫy. Đàn Goong Cla được sáng tạo ra để gửi gắm những nỗi lòng, niềm mong mỏi, ước mơ vào cuộc sống. Đó là những lời tự sự, là tiếng lòng sâu kín khó giãi bày nhưng mang tính giáo dục sâu sắc gửi cho con cháu đời sau. Đàn Goong Cla trở nên độc đáo vì truyền tải được kho tàng âm nhạc của người Chơ Ro một cách giản dị, tự nhiên.

Nghệ nhân Điểu Liệt kể rằng, từ nhỏ ông được nghe tiếng đàn tre của những người già trong làng, lớn lên môi trường cuộc sống thay đổi nhiều nên cây đàn tre dần vắng bóng trong các gia đình, những người trẻ không còn biết chơi loại nhạc cụ này. Vì niềm tự hào và yêu say tiếng đàn tre mà từ nhiều năm nay ông đã mày mò chế tác và chơi loại nhạc cụ này.
Đàn Goong Cơ la được làm bằng ống tre có độ dài khoảng 40-60cm, gồm có 2 phần là thân đàn và 6 dây đàn trên ống. Nguyên liệu tốt nhất để chế tác đàn là loại tre chừng 5 tuổi, vì tre già quá cũng không tốt nhưng non quá thì không thích hợp. Tre làm đàn phải là ống tre gai tròn, vỏ bóng và mỏng, mọc trên những đồi cao. Bởi nếu chọn tre mọc dưới thấp cây sẽ nhiều nước, cho ra âm thanh không trong thanh.
Tuy hình dáng đơn giản nhưng để hoàn thành một cây đàn Goong Cla phải trải qua rất nhiều công đoạn: “Làm cái đàn này phải tìm tre phù hợp, cũng không có tiêu chuẩn nhất định mà chỉ chọn tre bằng kinh nghiệm thôi. Lấy tre về rồi phơi héo héo, sau đó làm dây đàn. Nếu để khô quá dây sẽ dễ đứt, nếu phơi non quá tre dễ bị mọt. Đàn này ngày xưa là không có ai dạy mình cả. Mình biết giai điệu và nhớ từ nhỏ, mình tự mày mò mình làm cái này mình đánh luôn được” - Nghệ nhân Điểu Liệt chia sẻ.

Tuy có cấu tạo đơn giản, kỹ thuật chơi đàn không quá phức tạp nhưng để sử dụng được cây đàn tre một cách thành thục, âm thanh phát ra đúng ý nhạc công là cả một quá trình học hỏi lâu dài và bền bỉ. Không gian chơi đàn rất đa dạng nhưng nhiều hơn cả vẫn là nơi thanh vắng như trên nương rẫy hay những lúc một mình. Với đàn tre Goong Cla là sự giản đơn nhưng vô cùng hiệu quả bởi tiếng đàn mang lại xúc cảm đặc biệt cho chính người chơi cũng như những người thưởng thức âm thanh giai điệu của tiếng đàn.
Người Chơ Ro rất quý trọng đàn tre vì đây là sản phẩm được sinh ra từ núi rừng. Đàn tre thân thuộc gắn bó với đồng bào ở hầu hết các sự kiện lớn nhỏ của cộng đồng, trong các dịp vui cũng như những lúc suy tư, giãi bày tâm sự. Đặc biệt, bài hát được thể hiện thường xuyên chính là bài ru con, bởi cuộc sống của đồng bào gắn kết mật thiết với núi rừng nương rẫy. Cha mẹ thường xuyên phải đi làm từ mờ sáng đến tối mịt mới về, ông bà sẽ thay cha mẹ để chăm sóc con trẻ. Âm thanh tiếng đàn tre nhẹ nhàng, êm ái sẽ đưa con trẻ chìm sâu vào giấc ngủ ngon.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật cũng như sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc diễn ra ngày một mạnh mẽ, nhiều loại hình giải trí chiếm lĩnh đã tác động không nhỏ đến sức sống của cây đàn tre. Ông Đặng Thanh Hiếu, Trưởng phòng Dân tộc thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện nay đàn Goong Cla gần như đã mai một. Ở Long Khánh có 2 người biết chế tác và chơi đàn này nhưng chỉ chơi được 1 bài. Còn nghệ nhân Điểu Liệt là người duy nhất có thể chơi được 9 bài.

Trước sự mai một của tiếng đàn tre trong đời sống cộng đồng, ngành văn hóa tỉnh Đồng Nai đã và đang có những biện pháp cụ thể nhằm khắc phục và đưa lên sân khấu thông qua những dịp giao lưu quảng bá hay hội thi hội diễn. Thành phố Long Khánh cũng đang hỗ trợ mở lớp để nghệ nhân Điểu Liệt truyền dạy chế tác và đánh đàn tre cho giới trẻ Chơ Ro. Hy vọng trong tương lai không xa tiếng đàn tre Goong Cơ La sẽ vang lên trên khắp bản làng của người Chơ Ro.