Bước đột phá quan trọng hướng tới đại học đổi mới sáng tạo chuẩn quốc tế

ĐHQGHN vừa ban hành Đề án “Đầu tư phát triển nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh chuẩn quốc tế”. Đây là hành động cụ thể, quyết liệt nhằm hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ. Đề án này cộng hưởng với các chính sách hiệu quả đã được ban hành sẽ là bước đi chiến lược quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ĐHQGHN trở thành đại học đổi mới sáng tạo ngang tầm khu vực và thế giới.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và phát triển nhân lực khoa học đẳng cấp thế giới

Đề án được xây dựng trên nền tảng các nghị quyết trọng yếu của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Đây không chỉ là một chương trình phát triển nhân lực chất lượng cao, mà còn là hệ sinh thái đổi mới khoa học công nghệ toàn diện, lấy con người làm trung tâm và động lực cho phát triển. Trên cơ sở đó, ĐHQGHN xác định việc phát triển đội ngũ nhà khoa học xuất sắc và các nhóm nghiên cứu mạnh là nhân tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, đồng thời trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Theo Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, việc tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu chuẩn quốc tế không chỉ giúp bù đắp sự thiếu hụt nhà khoa học đầu ngành mà còn nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, góp phần quan trọng vào phát triển nền kinh tế tri thức của Việt Nam. Đề án đặt trọng tâm huy động tối đa các nguồn lực, đồng thời xây dựng môi trường nghiên cứu tiên tiến, thu hút, trọng dụng các nhà khoa học xuất sắc trong và ngoài ĐHQGHN. Các hoạt động này được tiến hành phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ quốc gia, cũng như tầm nhìn phát triển ĐHQGHN đến năm 2030 và 2045.

Đặc biệt, đề án ưu tiên phát triển các công nghệ chiến lược theo từng giai đoạn, trong đó giai đoạn ngắn hạn (2025-2030) tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến và kinh tế số để tạo ra các đột phá ban đầu.

Giai đoạn trung hạn (2030-2040) sẽ đẩy mạnh phát triển công nghệ lượng tử, tự động hóa thông minh, năng lượng tái tạo và y sinh tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng.

Cuối cùng, giai đoạn dài hạn (2040-2045) định hình công nghệ nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo, gồm công nghệ nano, sinh học ứng dụng trong y học chính xác và trí tuệ nhân tạo cấp độ cao, với mục tiêu đưa ĐHQGHN trở thành trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới.

Tiêu chí đánh giá nhà khoa học xuất sắc: Công bằng, minh bạch và chuẩn mực quốc tế

Một trong những điểm sáng nổi bật của đề án là việc xây dựng bộ tiêu chí nhà khoa học xuất sắc tại ĐHQGHN trên nguyên tắc phù hợp với các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành; đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan; đảm bảo tính tổng thể trong đánh giá. Đặc biệt, tiêu chí đánh giá được chia theo từng lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, khoa học tự nhiên - sự sống, và khoa học công nghệ - kỹ thuật, đồng thời sử dụng dữ liệu định lượng có thể kiểm đếm và xác minh.

Bộ tiêu chuẩn đánh giá gồm năm nhóm chính: Vai trò dẫn dắt hoạt động chuyên môn, năng lực chuyên môn, đóng góp khoa học, năng lực hội nhập quốc tế và tiêu chí cá nhân.

Trong giai đoạn 2024-2025, ĐHQGHN tập trung phát triển đội ngũ 200 nhà khoa học xuất sắc, mỗi người có ít nhất 4 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. Đồng thời, mục tiêu nâng số lượng công bố quốc tế tăng thêm từ 400 đến 500 bài so với năm 2023 được đặt ra. Bên cạnh đó, ĐHQGHN thành lập Câu lạc bộ Nhà khoa học xuất sắc VNU200 nhằm kết nối, hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu chất lượng cao. Trong giai đoạn này, 50 nhóm nghiên cứu mạnh được đầu tư phát triển theo hai hướng chính: nhóm nghiên cứu gắn với sản phẩm ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu; nhóm nghiên cứu tập trung vào công bố quốc tế đỉnh cao nhằm nâng cao vị thế học thuật của ĐHQGHN.

Ngân sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2025 được phân bổ ưu tiên hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm, nhà khoa học xuất sắc và tiến sĩ trẻ. Đồng thời, nguồn lực được tập trung đầu tư cho các đề tài có sản phẩm ứng dụng, hỗ trợ công bố quốc tế, đăng ký sở hữu trí tuệ và thành lập doanh nghiệp spin-off. Các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về kinh tế biển, khoa học sức khỏe, công nghệ chip - bán dẫn cũng tiếp tục được triển khai, bên cạnh việc mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, kinh tế đổi mới sáng tạo, máy gia tốc và sinh học.

Giai đoạn tiếp theo từ 2026 đến 2030 được kỳ vọng trở thành bước đột phá toàn diện khi ĐHQGHN đặt mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu chuẩn quốc tế và lọt vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế. Mục tiêu công bố quốc tế trung bình đạt 1,8 bài báo mỗi giảng viên, phát triển câu lạc bộ 500 nhà khoa học xuất sắc và 1.000 nhà khoa học tiềm năng được đặt ra rõ ràng. ĐHQGHN dự kiến đầu tư và phát triển 100 nhóm nghiên cứu mạnh, ưu tiên các chương trình đào tạo quốc gia trọng điểm, đồng thời phát triển 15-20 lĩnh vực khoa học được xếp hạng quốc tế và xây dựng hệ thống tạp chí khoa học chuẩn quốc tế. Ngoài ra, hệ sinh thái doanh nghiệp spin-off và startup trong đại học cũng được xây dựng vững chắc, tạo môi trường nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa khoa học và ứng dụng thực tiễn.

Thu nhập hấp dẫn và môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Với cơ chế thưởng công trình đột phá với mức thưởng hấp dẫn cho các bài báo khoa học thuộc top 1% ngành (200-300 triệu đồng/bài), bài báo nhóm Q1 (100 triệu đồng/bài), cùng thưởng cao cho sáng chế quốc tế, với mức thưởng lên tới 1 tỷ đồng cho mỗi sáng chế được cấp bằng bảo hộ, các nhà khoa học còn được hưởng phần trăm doanh thu từ việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu gắn với thực tiễn.

Thu nhập của các nhà khoa học được thiết kế theo cơ chế lương cứng kết hợp thu nhập tăng thêm dựa trên hiệu suất công việc (KPI-based Salary), đảm bảo mức thu nhập tối thiểu gấp ba lần đối với nhà khoa học chuẩn ĐHQGHN và gấp năm lần đối với nhà khoa học chuẩn quốc tế.

Chính sách thu hút tài trợ từ doanh nghiệp và các quỹ nghiên cứu tư nhân được thiết lập chặt chẽ, thông qua cơ chế “doanh nghiệp bảo trợ nhà khoa học” và việc cho phép cá nhân, tổ chức đóng góp trực tiếp vào Quỹ phát triển khoa học xuất sắc. Nhà khoa học xuất sắc còn được ưu tiên tham gia các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của đất nước và đại học, được tài trợ chi phí tham dự hội nghị quốc tế hàng năm, cấp học bổng cho nghiên cứu sinh do họ hướng dẫn, và có cơ chế nghỉ nghiên cứu tại các trung tâm khoa học hàng đầu thế giới như Harvard, MIT, Oxford.

ĐHQGHN còn chú trọng xây dựng chuỗi đầu tư dài hạn cho các nhóm nhà khoa học theo phân tầng rõ ràng từ nhà khoa học trẻ, tiến sĩ trẻ, phó giáo sư đến giáo sư đầu ngành. Việc tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, chính sách đãi ngộ cạnh tranh cùng các hoạt động truyền thông vinh danh kịp thời giúp thúc đẩy động lực nghiên cứu, nâng cao vị thế học thuật cho các nhà khoa học xuất sắc.

Việc ban hành Đề án “Đầu tư phát triển nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh chuẩn quốc tế” là cam kết của ĐHQGHN trong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW và 45-NQ/TW nhằm thúc đẩy đột phá phát triển khoa học công nghệ và đội ngũ trí thức tinh hoa phục vụ phát triển đất nước.