Văn học châu Âu thế kỷ 19 được biết đến là thời kỳ đỉnh cao của trào lưu hiện thực với những ngòi bút danh tiếng như Balzac, Flaubert, Stendhal… Tiếp nối những bậc tiền bối ấy, Guy de Maupassant cũng có những đóng góp riêng vào thành tựu của trào lưu rực rỡ này. Với gần 300 truyện ngắn và 03 tiểu thuyết trong vỏn vẹn 10 năm sự nghiệp cùng khả năng nắm bắt và thể hiện thực tại trong từng khía cạnh cụ thể, Maupassant được xem là bậc thầy của truyện ngắn, một thể loại vốn yêu cầu rất cao về nghệ thuật gói gọn thông tin vào trong những giới hạn cho phép.

Sự hòa quyện tuyệt vời của âm điệu

Truyện của Maupassant thường đa dạng về sắc thái, âm điệu. Có lẽ cũng vì thế mà nếu chỉ tiếp xúc với riêng một loại truyện, người đọc dễ có ấn tượng một chiều: người trách ông phê phán quá tàn nhẫn, người chê ông bông đùa tếu, đôi khi nhảm nhí… Và trong tuyển tập Sáng trăng này, người đọc sẽ được trải nghiệm một dải sắc thái muôn màu đi từ tàn nhẫn trong Cái thùng con, ảm đạm của Người đã khuất, u ám trong Bà Hermet, cho đến cái dịu êm, man mác như một bài thơ của Sáng trăng và cái trong veo, tươi mát trong Bố của Simon, một trong những truyện hiếm hoi kết thúc ngọt ngào (song không hề rơi vào kiểu “có hậu” dễ dãi).

Giọng điệu người kể cũng phong phú, phụ thuộc vào bộ mặt tinh thần, vào trạng thái tâm lý của người đó, khi là một chàng trẻ tuổi si tình thác loạn, khi lại hóa một ông già độc thân mẫn cảm dưới vẻ ngoài hoài nghi… Những giọng điệu này thường xuyên hòa hợp khăng khít với giọng điệu riêng của các nhân vật, để rồi đôi lúc, chúng hòa cùng cả âm điệu trữ tình đầy xúc cảm của Maupassant khi nói tới phụ nữ, tình yêu và đặc biệt khi mô tả thiên nhiên.

Thiên nhiên sinh động trong bức tranh trường phái ấn tượng

Giống với người thầy nghiêm khắc Flaubert, Maupassant rất giỏi trong việc biểu đạt bằng ngôn từ chuẩn xác, chắt lọc, thể hiện những quan sát đậm tính chân thực của mình. Một lời, vài tiếng, thế là hiện lên nền đất nâu mấp mô, những tấm rèm che cửa sổ “xưa kia trắng, nay vàng và đầy vết ruồi bâu” trong căn buồng của nông dân (Con quỷ) hay “cái mê cung ngoắt ngoéo những ngôi nhà lụp xụp, những đường phố nhớp nháp, ri rỉ nước hôi hám”.

Song, nổi bật trong truyện ngắn Maupassant là một thiên nhiên “sống”, cảm thông hoặc thờ ơ với con người, một thiên nhiên nói lên tâm trạng, tính cách nhân vật, và cả sự cảm thụ thế giới của tác giả, người câu cá, nhà săn bắn, nghệ sĩ nhạy cảm, say mê sự sống, sắc màu, âm thanh, hương vị.

Sang trang.png

Trường phái ấn tượng trong hội họa giúp Maupassant có cái nhìn nghệ thuật mới, phân biệt vô vàn sắc thái tế nhị và những biến đổi, lưu chuyển của từng khoảnh khắc trong thiên nhiên - cũng như trong tâm trạng con người. Nhà văn chú ý đến sự uyển chuyển của hình thù, đến những biến thái tinh vi của màu sắc, và đặc biệt đến tác động của ánh sáng rọi chiếu lên cảnh vật. Điển hình là thiên truyện Sáng trăng có những đoạn được coi như sự chuyển đạt những hình ảnh thị giác của họa sĩ ấn tượng bằng phương tiện nghệ thuật ngôn từ. Sự chồng chất các tính từ, danh từ đồng nghĩa và giàu sức biểu cảm, các động từ, các ẩn dụ có hồn, cách cấu tạo câu ở thể chủ động, dựng nên phong cảnh mỹ lệ, sống, tràn ngập chất thơ như trong tranh Claude Monet. Từ ngữ biểu đạt không chỉ bản thân vẻ đẹp quyến rũ của một đêm xuân huy hoàng trăng sáng, mà cả rung động do cái đẹp ấy gây nên ở nhân vật, ở người thuật truyện. Và ảnh hưởng của hội họa ấn tượng bộc lộ ngay trong ưu thế này của tâm trạng so với đường nét, sắc màu.

Khả năng nắm bắt tâm lý cùng tư tưởng bi quan, hoài nghi

Một đóng góp mới của Maupassant với văn xuôi thế kỷ 19 chính là sự nắm bắt và tái hiện những trạng thái tâm lý, những xung đột, diễn biến bên trong, nảy sinh ở những tình thế phong phú vô tận của cuộc đời: cái đẹp và sự sống làm đổ vỡ những tin điều khô cằn, giả tạo (Sáng trăng), một chấn thương tinh thần thời thơ ấu đảo lộn và đầu độc cả một đời người (Cho một cốc đây!) rồi những nỗi đau bí ẩn “càng sâu xa hơn bởi dường như êm nhẹ, càng nhức nhối hơn bởi dường như mơ hồ, càng dai dẳng hơn bởi dường như không thực” (Menuet)…Với vẻ ngoài nhẹ nhàng, bao giờ cũng lý thú và đôi khi như bông đùa, truyện Maupassant thường phát hiện bi kịch của con người không chỉ trong tình huống khủng khiếp, đặc biệt, mà cả trong những hoàn cảnh bình thường, hằng ngày.

Là học trò giỏi của Flaubert nên Guy de Maupassant chịu ảnh hưởng sâu sắc của thầy mình về mặt tư tưởng. Chủ nghĩa bi quan, hoài nghi là cảm quan chính chi phối nhiều sáng tác của ông và ông còn đi xa hơn thầy mình về "sự tuyệt vọng triết học". Cũng như Flaubert, Maupassant sáng suốt và nhạy bén trong sự phủ định đầy tính chất tiến bộ và dân chủ, song ý thức dân chủ, tiến bộ trong khuôn khổ hệ ý thức tư sản lúc bấy giờ đã mất khả năng cảm nhận tính biến đổi đi lên của sự sống. Đồng thời, mẫn cảm một cách khác thường với cái đẹp cũng như với cái xấu, Maupassant không thể không chịu ít nhiều tác động của những khuynh hướng suy đồi mới nảy sinh trong nền văn hóa Pháp. Cùng với niềm ngờ vực khả năng thay đổi, phát triển của hiện thực, ý nghĩ chua xót về sự xấu xa - thể chất và tinh thần - của con người, về sự bất lực của trí tuệ, những ám ảnh về nỗi cô đơn định mệnh, về cái chết, càng về những năm cuối đời càng rõ nét, do ảnh hưởng của sự khủng hoảng chung trong nền văn hóa tư sản, và của bệnh tật riêng ngày một tăng.

Các nhà hiện thực tiền bối đã phân tích sâu nguồn gốc và bản chất các mối quan hệ tư sản, các tính cách tư sản, Maupassant thì chú ý đến sự thoái hóa nhân cách trong thế giới tư hữu, đến sự tàn bạo bao trùm mọi lĩnh vực của cuộc sống, do thói vị kỷ, do lòng tham, do tâm lý tư hữu phổ cập ở mọi tầng lớp xã hội, khiến “chất người” thui chột (Con quỷ, Cái thùng con, Bà Hermet, Cho một cốc đây!).

Những vấn đề nghiêm túc này đòi hỏi không chỉ sự tinh tế trong xúc cảm, mà cả chiều sâu của những suy nghĩ và khái quát xã hội, tâm lý - đạo đức. Vài trang ngắn ngủi của Maupassant “chứa đựng cốt tủy của những tập sách mà các nhà tiểu thuyết khác chắc phải viết rất dày”, đó là nhận xét của Emile Zola, tác giả bộ Les Rougon-Macquart đồ sộ, chính vì thế mà, vẫn theo Emile Zola: “Đọc Maupassant, ta khóc, ta cười và ta suy nghĩ”.