Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại nước ta và kéo dài khiến cuộc sống của hầu hết các gia đình đều bị đảo lộn. Và, không chỉ là bệnh hô hấp ảnh hưởng diện rộng trên toàn thế giới, các chuyên gia còn cảnh báo rằng Covid-19 còn có nguy cơ gây rối loạn tâm thần.

Theo GS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, trong đại dịch, số bệnh nhân tới khám vì những bệnh lý tâm thần gia tăng. Bên cạnh những lo lắng vì bị thất nghiệp, cách ly dài ngày khiến stress, lo âu… thì có nhiều người đến trong tình trạng suy giảm trí nhớ, thậm chí bị ảnh hưởng trí tuệ. Trong nghiên cứu của GS Cao Tiến Đức và cộng sự tại khu cách ly, các đối tượng cách ly, những người phục vụ, người dân trong cộng đồng bị phong tỏa… cho thấy phản ứng tâm lý của họ rất mạnh. Người già, phụ nữ, trẻ em, là những đối tượng dễ bị tác động tâm lý, do đó dễ mắc các rối loạn về tâm thần.

Còn Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, dịch Covid-19 như một yếu tố “kích hoạt” những khó khăn bất lợi, như phải vào bệnh viện điều trị, đi cách ly, sống trong vùng phong tỏa, công việc, học tập bị đình trệ, gián đoạn, tài chính khó khăn… Những yếu tố, hệ lụy đó dễ làm cho con người rơi vào tình trạng căng thẳng, dẫn đến bệnh về tâm lý, thần kinh gia tăng.

Cùng với những ảnh hưởng về mặt kinh tế, xã hội, do tình hình mắc bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, TP. HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành phải thực hiện giãn cách dài ngày theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đây cũng là thử thách lớn đối với rất nhiều người khi phải ở yên trong nhà để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhiều người đã chọn những cuốn sách làm bạn và “khép của đọc sách, vượt qua ngày giãn cách”.

Theo ông Vũ Trọng Đại, Tổng Giám đốc Alpha Books, đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích: “Thứ nhất, sách giúp chúng ta cảm thấy đỡ nhàm chán khi bắt buộc phải ở nhà dài ngày. Thứ hai, đọc sách giúp ổn định về tinh thần, trong bối cảnh mỗi người đều rất dễ bị xáo trộn bởi những căng thẳng từ xã hội mang lại. Đọc sách giúp chúng ta có thêm nguồn vui, có sự thu hút về mặt tâm trí để rời xa những tiêu cực. Lợi ích thứ ba là, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới cũng thấy rằng, dịch bệnh rồi cũng sẽ phải qua, giai đoạn hậu dịch bệnh chúng ta phải nghĩ đến chuyện khôi phục kinh tế, khôi phục mọi mặt của đời sống xã hội. Thì chính giai đoạn này là giai đoạn chúng ta cần tích lũy kiến thức, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho tương lai. Nên có thể nói đây là giai đoạn cho chúng ta cơ hội tự đào tạo mình, thông qua việc đọc sách”.

Sách có là mặt hàng thiết yếu?

TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL) chia sẻ rằng: “Chúng tôi đã nhìn thấy và được gửi những hình ảnh rất cảm động đến rơi nước mắt khi mà các em nhỏ, những người trưởng thành và cả những người già ở khu cách ly hồ hởi đón nhận những cuốn sách là những phần quà mà các nhà hảo tâm trao tặng. Với nhiều người, sách thực sự là liều thuốc tinh thần và cũng là món quà quý giúp cho mọi người sử dụng thời gian hữu ích hơn trong những ngày chống dịch. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng cùng với sự hỗ trợ về lương thực, thực phẩm thì cần có sự quan tâm hỗ trợ sách cho người dân vùng cách ly”.

Đồng tình quan điểm này, ông Vũ Trọng Đại, Tổng Giám đốc Alpha Books cho rằng: “Cơm gạo, bánh mỳ nuôi sống chúng ta về thể chất, sách là thức ăn tinh thần giúp chúng ta đảm bảo sức khỏe tinh thần, một khía cạnh quan trọng không kém trong cuộc sống, nhất là trong những thời khắc khó khăn vì dịch bệnh. Tôi ủng hộ quan điểm của nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng, sách nên được coi là mặt hàng thiết yếu”.

Tuy nhiên, trong điều kiện giãn cách xã hội, việc tiếp cận sách in trong thời gian giãn cách có những hạn chế nhất định. Trước tình hình đó, nhiều đơn vị xuất bản đã thay đổi cách tiếp cận. Ví dụ, kênh “Cùng bạn đọc sách” do TS Vũ Dương Thúy Ngà sáng lập đã có nhiều cách thức sáng tạo, tạo những clip giới thiệu sách, sản xuất những cuốn sách nói và thực hiện các chương trình tặng sách đến bệnh viện, khu cách ly để đông đảo bạn đọc được làm bạn với những cuốn sách hay trong mùa dịch.

Còn Alpha Books, ngoài sách in, hiện nay công tác xuất bản sách cũng có nhiều đổi mới với các loại ebook, audio book, các khóa học trực tuyến, sách tương tác… Bên cạnh đó, Alpha Book ủng hộ nhiều phần quà sách trao tới người dân trong những khu cách ly trong nhiều chương trình như “Khép cửa đọc sách”, “Sách trao tay học ngày giãn cách”… nhờ đó mà hàng ngàn cuốn sách đã đến được tay bạn đọc.

Đọc gì trong mùa dịch?

Đọc sách là một việc hữu ích, tất nhiên rồi, thế nhưng đọc gì giữa muôn màu trong thế giới sách cũng là việc nên cân nhắc. Với góc nhìn từ người làm sách, ông Vũ Trọng Đại, Tổng Giám đốc Alpha Books gợi ý rằng: nên chọn những cuốn sách mang nội dung tích cực, thúc đẩy tinh thần lạc quan, sách về những tấm gương vượt khó, sách về chăm sóc sức khỏe, sách văn học hoặc sách nâng cao kỹ năng...

Còn với kinh nghiệm của một người nhiều năm gắn bó với công tác phát triển văn hóa đọc, theo TS Vũ Dương Thúy Ngà nên có phương pháp đọc sách khoa học trong mùa dịch, bởi nếu vùi đầu vào đọc sách cả ngày cũng không hẳn là tốt. “Chọn phương thức tiếp cận phù hợp với điều kiện của mình, sách in, sách điện tử hay sách nói… Thứ 2 là nên lập kế hoạch đọc sách, liệt kê những cuốn sách mình muốn đọc, lập thời gian biểu cụ thể cho việc đọc sách. Và một điều quan trọng nữa là chúng ta không nên đọc sách để chơi chơi, mà nên ghi chép lại những gì mình thấy hữu ích” - TS Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh.

Đọc sách giúp chúng ta bình ổn tâm lý hơn. Thay vì hoang mang theo dõi những con số ca bệnh hay tốn thời gian vào những thứ vô bổ, hãy làm bạn với sách. Với sự hỗ trợ của công nghệ, nếu trong điều kiện khó khăn với sách in, chúng ta có thể đến với những cuốn sách điện tử, sách tương tác hay sách nói. Không chỉ giúp tích luỹ kiến thức, đọc sách mùa dịch còn là liều thuốc tinh thần giúp mỗi người bình thản, vững tâm và thông thái hơn, lạc quan hơn.

Tin tôi đi, làm bạn với sách sẽ khiến bạn có thêm năng lượng tích cực để an toàn vượt qua đại dịch Covid-19.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: