18 tham luận của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã làm sáng tỏ thêm nhiều tư liệu quý về những cống hiến của Hội nguyên Tiến sĩ Phan Huy Ích đối với đất nước, đặc biệt là những công trạng của ông trong ngoại giao và trong kho tàng văn học.

Phan Huy Ích tự là Khiêm Thụ, hiệu là Dụ Am, tên thật là Phan Công Hậu (1751-1822), quê gốc ở làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Phan Huy Ích chính là con trai cả của Tiến sĩ Phan Huy Cận (còn đọc là Phan Huy Cẩn) - một danh thần, một nhà sử học thời Lê Trung hưng chuyển cư ra vùng đất Sài Sơn. Theo PGS-TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đây là một dòng họ danh tiếng thuộc hàng “danh gia vọng tộc”: “Dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn vốn có nguồn gốc từ dòng họ Phan Huy nổi tiếng về khoa bảng ở Xứ Nghệ. Đến đời thứ 7, cụ Phan Huy Cận chuyển cư đến xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP HN, từ đó lập nên 1 nhánh Phan Huy Sài Sơn, tiếp tục truyền thống anh hào của dòng tộc. Sau khi định cư ở vùng đất mới, các thế hệ tiếp theo của cụ Phan Huy Cận đã kế thừa và phát dương nếp nhà, đóng góp nhiều bậc hiện tài như Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn, Phan Huy Sảng, Phan Huy Quýnh, Phan Huy Thực, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Dũng… Trong số các danh nhân của dòng họ Phan Huy Sài Sơn, Dụ Am Phan Huy Ích có vị trí nổi bật. Ông thuộc đời thứ 8 của dòng họ, là con cả của Phan Huy Cận, là thân phụ của danh nhân Phan Huy Chú”.

Theo các nguồn sử liệu ghi chép lại, Phan Huy Ích thông minh, hiếu học và đỗ đạt rất cao. Năm 20 tuổi ông đã đỗ Giải nguyên tại trường thi Nghệ An và năm 25 tuổi ông đã thi đỗ Hội nguyên Tiến sĩ. Tuy nhiên, do bối cảnh lịch sử lúc bầy giờ nên cuộc đời 30 năm làm quan của Tiến sĩ Phan Huy Ích trải qua 3 triều đại, từ cuối thời Lê – Trịnh, qua nhà Tây Sơn rồi đến triều Nguyễn đầu thế kỷ thứ 19. TS Nguyễn Hữu Tâm, nguyên giám đốc thư viện Viện sử học cho biết thêm: “Phan Huy Ích sinh ra trong gia đình có truyền thống thi thư. Ông tham gia chính trường khá sớm, được trọng dụng khi mới 22 tuổi, trước khi đỗ đạt. Ông có chí tiến thủ nên vẫn quyết tâm học hành, đỗ hội nguyên năm 25 tuổi. Có thể nhận thấy ông là người rất toàn diện trong suốt gần 30 năm làm quan”.

Theo nghiên cứu của TS Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng Viện Sử học, Dụ Am Phan Huy Ích trải nhiều chức quan, trong đó chức quan đầu tiên của ông được trao năm 1773 sau khi đỗ đạt là Tả Mạc, tức là chức quan phụ trách về hộ tịch, thuế khóa của Thừa Ty Sơn Nam, và chức quan cao nhất của Phan Huy Ích là quan Thượng thư. “Cụ trải qua nhiều chức quan, phụ trách các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều đó cho thấy sự đóng góp to lớn cũng như toàn tài của cụ. Đặc biệt trên tất cả các chức quan được đảm nhiệm, cụ đều hoàn thành xuất sắc. Cụ sống qua ba thời kỳ với những chế độ chính trị khác nhau nhưng vẫn đảm bảo duy trì và phát huy thế mạnh của mình đóng góp xây dựng đất nước”.

Làm quan trải qua 3 triều đại (Lê - Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn) không tránh khỏi những lúc thăng trầm, lúc thì vinh quan được trọng dụng, lúc thì bị “đánh để làm nhục”, Dụ Am Phan Huy Ích đã có quá trình chuyển biến tư tưởng sâu sắc. PGS-TS Vương Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm nhận định rằng, sự chuyển biến về tư tưởng, bắt nhịp qua 3 triều đại để đóng góp xây dựng đất nước của Dụ Am Phan Huy Ích thể hiện sự chuyển biến trong tư tưởng của tầng lớp nho sĩ Đàng Ngoài giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19: “Qua thơ của Phan Huy Ích gửi cho bạn của ông là Tốn Trai ta thấy tư tưởng của ông đã thông suốt khi bắt đầu một mối quan hệ với triều đại mới. Qua những câu thơ thể hiện quá trình diễn biến tư tưởng của ông: Thanh khí nhà Nho há phân biệt cũ, mới?/ Tình bạn nghĩa bè giúp nhau là việc thường xưa nay/ Chờ ngày sánh vai ở kinh đô nhà Hán/ Bàn luận văn chương sẽ thấy hoài bão lớn của nhau/. Có lẽ sự thông suốt trong tư tưởng ấy tạo cho ông động lực đi trên con đường mới, con đường đồng hành với các triều đại đương thời. Và đây cũng là chất xúc tác để các con ông, thế hệ sau ông mở lòng với triều Nguyễn."

Thông minh, hiếu học lại có chí tiến thủ, Hội nguyên Tiến sĩ Phan Huy Ích được người đời biết đến không chỉ là vị công thần thời Tây Sơn mà còn là một nhà ngoại giao. Nếu như Thám hoa Giang Văn Minh được tôn sùng là ông tổ của ngành ngoại giao, là vị sứ thần “bất nhục quân mệnh” thì Phan Huy Ích lại nổi tiếng với chuyến đi sứ kỳ lạ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Dụ Am Phan Huy Ích chính là người hộ tống "vua giả" cùng đoàn hơn trăm người đi sứ nhà Thanh. Chuyến đi sứ của Phan Huy Ích được đánh giá là thành công và có tầm ảnh hưởng lớn đến quan hệ bang giao giữa triều Tây Sơn với triều Thanh sau này.

Ngoài những cống hiến về ngoại giao, Hội nguyên Tiến sĩ Phan Huy Ích còn đóng góp rất lớn vào kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, đặc biệt là những tác phẩm thơ văn có giá trị. TS Nguyễn Hữu Mùi, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết: “Sau Lê Quý Đôn, có lẽ Phan Huy Ích là người để lại nhiều trước tác văn họa. Về thơ, theo thống kê của chúng tôi chưa đầy đủ có tới 600 bài. Về văn, ông cũng để lại nhiều tác phẩm đồ sộ với hàng trăm bài. Ngoài ra, ông còn để lại nhiều văn bia, bi ký. Trong đó có “Trùng tu bi ký” là tác phẩm đáng chú ý

Không chỉ giới học giả trong nước đánh giá cao, Dụ Am Phan Huy Ích còn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu quốc tế. Ông Ban Ki-moon, nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc Quỹ “Ban Ki-moon – Vì một tương lai tốt đẹp hơn” khi nghe tin về cuộc hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của danh nhân Phan Huy Ích đã gửi lời chào mừng. Trong đó ông bày tỏ: “Tôi hết sức kính trọng danh nhân Phan Huy Ích, vì Tổ quốc, với tư cách là sứ thần của vương triều Tây Sơn đã chiến đấu chống lại quân xâm lược nhà Thanh, tham gia vào cuộc chiến ngoại giao nguy hiểm cả đến tính mạng”.

GS-TS Ahn Kyong-hwan, Hiệu trưởng trường Korea Global School, Hàn Quốc cũng dành nhiều tâm sức nghiên cứu về danh nhân Phan Huy Ích. Tham dự hội thảo, GS Ahn Kyong- hwan chia sẻ: “Phan Huy Ích là một trong những nhà ngoại giao nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có vai trò giống như Seo Hee trong lịch sử Hàn Quốc, người đã ngăn chặn sự xâm lược của nhà Liêu bằng chiến thuật ngoại giao. Với vai trò là nhà ngoại giao trải qua 3 đời vua từ cuối nhà Lê, sang đời vua Tây Sơn, rồi đến triều Nguyễn, ông đã làm nên tên tuổi của mình và là một tác gia lớn để lại nhiều tác phẩm đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam. Ông là một người Thầy trong lịch sử Việt Nam.”

Với rất nhiều đóng góp cho đất nước và dòng tộc, Dụ Am Phan Huy Ích đã được ban sắc phong Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, hậu thế tôn kính và thờ phụng nghiêm cẩn tại nhà thờ dòng họ Phan Huy tại thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Tên của ông cũng được đặt cho các con phố ở các thành phố lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng….

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: