Từ nhiều năm nay, ẩm thực Việt Nam đã được các chuyên gia, truyền thông quốc tế đánh giá cao, nhiều món ăn lọt vào danh sách món ngon của thế giới. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định văn hóa ẩm thực là dòng văn hóa chủ đạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu du lịch quốc gia. Đây có thể xem là thế mạnh để thu hút du khách đến trải nghiệm và thưởng thức.

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Liên chi Hội Đầu bếp Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ẩm thực luôn là thế mạnh của rất nhiều nước, không riêng gì Việt Nam, bởi ẩm thực gắn liền với văn hóa của một quốc gia. "Tiềm năng du lịch ẩm thực thu hút được rất nhiều sự đầu tư cũng như tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Theo nhiều kênh truyền hình và những tạp chí nổi tiếng của thế giới đánh giá và có những khảo sát nghiên cứu thì khách du lịch sẵn sàng có thể chi thêm khoảng từ 25 đến 30% cho các dịch vụ ẩm thực nói chung".

Ẩm thực Việt được ví như một “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để nâng tầm giá trị ẩm thực thành sản phẩm du lịch cần tạo điểm nhấn trong việc xây dựng, quảng bá tour cũng như món ăn. Đặc biệt, với sự đa dạng và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, nhiều du khách nước ngoài đã say lòng trước những tinh hoa ẩm thực của đất nước ta. Điều này cho thấy, ẩm thực Việt Nam là một lĩnh vực có nhiều lợi thế có thể hỗ trợ phát triển ngành du lịch.

Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta chỉ mới phát huy tốt lợi thế về di sản để phát triển du lịch, còn về ẩm thực thì chưa được khai thác hiệu quả. Các sản phẩm du lịch hiện nay mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của du khách và chủ yếu ở các thành phố lớn. Tại các địa phương đa phần các sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa có hệ thống... nên du khách cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm.

"Ẩm thực chính là văn hóa, cho nên nếu tách rời ẩm thực và văn hóa hoặc chưa chú trọng đến sự phát triển của ẩm thực thì là một thiếu sót. Khi chúng ta biết kết hợp ẩm thực và văn hóa thì khi đó sản phẩm du lịch ẩm thực mới có giá trị và mới tạo được điểm nhấn", ông Nguyễn Xuân Quỳnh bày tỏ.

Mặc dù ẩm thực Việt mặc dù mang nhiều nét tinh hoa văn hóa nhưng chưa được chú trọng quảng bá, đầu tư đúng nghĩa. Hoạt động xúc tiến quảng bá chỉ mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chưa có chiến lược lâu dài. Các chương trình quảng bá ẩm thực địa phương còn nhỏ lẻ, phạm vi bó hẹp, chưa thật sự tạo được thương hiệu và hình ảnh cho khách du lịch. Nhiều tỉnh, thành dù có đặc sản hấp dẫn nhưng chưa thể tiếp cận được với lượng lớn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Chính vì thế, để ẩm thực trở thành một sản phẩm đặc trưng của du lịch thì cần rất nhiều yếu tố.

“Chúng ta nên có một chương trình mang tầm cỡ quốc gia nếu muốn quảng bá về ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt phải xác định được sản phẩm nào là sản phẩm cốt lõi để quảng cáo cho một giai đoạn. Ví dụ khi chúng ta xác định ẩm thực là văn hóa và ẩm thực là một trong những mũi nhọn khác biệt của Việt Nam thì việc đầu tư, hình ảnh phải sâu rộng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Phải có những chương trình đặc biệt về ẩm thực để giới thiệu với bạn bè quốc tế, hay những chương trình giao lưu văn hóa của các đại sứ quán ở các nước thì đây là kênh truyền thông vô cùng hiệu quả. Phải có những chương trình rộng và sâu để nhấn vào những đặc sản, những đặc biệt của ẩm thực Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Quỳnh lưu ý.

Có thể nói, ẩm thực vốn là một mắt xích không thể tách rời của ngành công nghiệp không khói, là một trong những đòn bẩy hữu dụng nhất để thúc đẩy du lịch phát triển. Bên cạnh đó, việc đưa ẩm thực đến gần du khách cũng là một cách để quảng bá văn hóa địa phương. Cục Du lịch Việt Nam đã nhận định nơi nào có dịch vụ ăn uống đặc sắc nơi đó có dấu ấn tốt với du khách, qua đó tạo niềm tin và giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá nghệ thuật ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân và tạo nguồn thu cho địa phương.

Chúng ta đã có sẵn những tiềm năng, lợi thế về ẩm thực nhưng để biến nó thành sản phẩm du lịch mang lại trải nghiệm chân thực nhất cho du khách thì các đơn vị lữ hành cần phải có những nghiên cứu để hiểu sâu, hiểu rõ về sản phẩm bản địa của từng địa phương. Có như vậy mới xây dựng được những chương trình du lịch đặc biệt nhắm tới những thị trường đặc biệt, thu hút du khách đến Việt Nam.

Năm 2024 đánh dấu sự phát triển của du lịch văn hóa ẩm thực, nơi mà du khách không chỉ tham quan, mà còn tương tác sâu hơn với văn hóa địa phương thông qua vị giác. Xu hướng này mang lại những trải nghiệm độc đáo và không thể quên cho du khách trên toàn thế giới. Đây cũng là một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và quảng bá thương hiệu quốc gia nói chung cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam nói riêng.

Mời nghe bài viết tại đây: