Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch đóng góp 10% vào GDP cả nước, là ngành kinh tế được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát, ngành du lịch chịu tổn thất hết sức nặng nề, bị "đóng băng” trong 2 năm qua. Với quyết tâm tìm kiếm các giải pháp có tính khả thi, đưa du lịch trở lại, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm hướng đi cho ngành và đã tạo ra luồng gió mới, được Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế. Gần hai tháng qua, có hơn 8.500 khách quốc tế tới Việt Nam, cho thấy Việt Nam là điểm đến an toàn. Đây là động lực để chúng ta quyết tâm phục hồi nền du lịch.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, chương trình thí điểm tái khởi động du lịch từ tháng 11/2021 đến nay đạt được kết quả tích cực: Đảm bảo du lịch an toàn cho du khách; Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực và trên thế giới đón khách du lịch chủ động; Lượng tìm kiếm quốc tế về thông tin du lịch Việt Nam tăng đáng kể; Các địa phương hoàn thiện phương án đón khách du lịch đảm bảo thích ứng an toàn. Tuy nhiên, chương trình thí điểm vẫn gặp một số khó khăn: Việc áp dụng chính sách phê duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kết nối lại, thu hút khách từ các thị trường trọng điểm trước đây vốn đã được Chính phủ đồng ý miễn thị thực, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực áp dụng chính sách thị thực linh hoạt hơn đối với du khách quốc tế; Chương trình thí điểm chưa quy định được đón khách du lịch quốc tế đến bằng đường bộ và đường biển; Hộ chiếu vaccine của Việt Nam chưa được công nhận ở nhiều nước.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng các quy định dành cho doanh nghiệp du lịch đang quá khắt khe nên cần được bãi bỏ. Ngoài ra, do điều kiện khó khăn trong vấn đề xin thị thực, hạn chế di chuyển trong 7 ngày... mà năm qua, ngành du lịch chỉ đón được hơn 8.500 du khách - đây là con số quá khiêm tốn so với trước kia. Trước kia mỗi tháng chúng ta có thể đón từ 2 - 2,5 triệu khách. “Tôi đề xuất không nên cách ly, các điều kiện phức tạp cũng nên được lược bỏ, và có thể mở cửa ngay bởi bây giờ là thời điểm tốt nhất để mở cửa du lịch quốc tế. Đặc biệt, các quy định cho doanh nghiệp cũng cần mở rộng hơn, chỉ cần doanh nghiệp có giấy phép du lịch, lữ hành, khách sạn còn hạn là có thể tham gia hoạt động. Điều này mang lại “hơi thở sống” cho ngành du lịch Việt sớm phục hồi” - ông Kiên nhấn mạnh.

Đại diện cho các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp về lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) cho rằng: "Thật vô lý nếu chúng ta không mở du lịch hoàn toàn bởi tỉ lệ tiêm chủng ở nước ta cao, đứng Top 6 thế giới và hiện tại thì miễn dịch cộng đồng ở Việt Nam đang ở đỉnh cao nên chúng ta cần tận dụng thời gian này để mở cửa trở lại ngành du lịch. Bên cạnh đó, việc mở hay không mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì tình hình dịch trong nước vẫn thế. Bản chất vấn đề là tiêm vaccine và các biện pháp giãn cách cần thiết. Đơn cử như việc thí điểm đón gần 9.000 khách du lịch trong giai đoạn 1 vừa qua cũng cho thấy, việc mở cửa du lịch quốc tế cũng không ảnh hưởng gì đến tình hình dịch trong nước”.

Ngoài ra, ông Trương Gia Bình cũng cho biết, nếu không mở cửa du lịch quốc tế thì đi ngược lại chính sách của Chính phủ là mong muốn phục hồi kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hơn 2,5 triệu lao động, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, khiến Việt Nam tự đánh mất cơ hội. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã vượt ngưỡng chịu đựng. "Vậy chúng ta phải mở thế nào? Việt Nam hãy mở cửa theo thông lệ quốc tế, như nhiều nước trên thế giới", ông Bình kết luận.

Với mong muốn mở cửa trở lại sớm nhất có thể, ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nêu một số kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại để thu hút du khách: đề nghị visa quay trở lại như năm 2019; Kiến nghị Bộ trưởng đề xuất Chính phủ công bố nhận khách du lịch quốc tế từ ngày 1/2/2022; Không cách ly khách du lịch đến Việt Nam và Bộ Y tế cần có quy trình y tế thống nhất để xử lý du khách là F0.

Đồng ý với ý kiến của đại diện Vietnam Airlines, ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay đã mở chuyến bay quốc tế thường lệ tới 10 thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Lào, Campuchia... riêng Trung Quốc vẫn từ chối do tình hình dịch bệnh trong nước. Tuy nhiên, hiện nay một vấn đề vướng mắc với chuyến bay quốc tế thường lệ và các chuyến bay khác là ngoài chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính, trước và sau khi xuống khỏi tàu bay, du khách còn phải thực hiện test nhanh. Các nhà ga ở những nước khác không thực hiện việc test nhanh tại sân bay bởi dễ gây tình trạng tắc nghẽn. Nếu chúng ta vẫn giữ quy định như vậy, việc tổ chức bay sẽ rất vất vả, khách du lịch sẽ thấy rắc rối. Do đó, ông Sơn đề nghị nếu vẫn phải thực hiện test nhanh thì không nên tổ chức test ở sân bay mà nên đưa về các địa điểm du lịch đã có cam kết để tránh tình trạng ùn tắc, gây khó khăn cho khách du lịch.

Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao thông tin, Bộ đã đề xuất Chính phủ một số biện pháp tạo thuận lợi cho người dân nhập cảnh về nước. Tuy nhiên, đối với du khách đến Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng. Trên cơ sở góc độ của ngành Ngoại giao, đại diện Bộ đề xuất Chính phủ và các đơn vị liên quan cần có quy trình lên – xuống máy bay thống nhất, có thể đơn giản hóa bằng QR Code. Bên cạnh đó, các chính sách mở cửa du lịch cần nhất quán từ Trung ương đến địa phương để người nước ngoài đến Việt Nam du lịch nắm rõ và chuẩn bị.

Đề xuất mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế nếu được thông qua không chỉ giúp ngành du lịch, hàng không sớm khôi phục mà còn duy trì sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.