Dịch Covid-19 gây ra những hệ lụy khó có thể thể đong đếm cho ngành Du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Thấu hiểu tình cảnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chi hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam đã tổ chức chương trình Talkshow trực tuyến với chủ đề “Dìu nhau vượt khó - Khởi đà khôi phục”.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, gần 2 năm qua, hoạt động của ngành Du lịch “đóng băng”, doanh thu thậm chí về con số âm bởi ngay cả khi không có doanh thu hoặc doanh thu thấp hơn so với kinh doanh bình thường, thì tất cả các chi phí quản lý như tiền thuê nhà, tiền lương, tiền lãi... vẫn phát sinh. Các doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa kinh doanh vẫn phải chịu chi phí thuê địa điểm hoặc trả lương. Rất nhiều doanh nghiệp lữ hành buộc phải ngừng hoạt động, nhiều khách sạn đóng cửa, lao động ngành du lịch thất nghiệp hàng loạt hoặc phải chuyển đổi nghề… Chưa bao giờ những người làm du lịch lại phải đối phó cùng lúc với nhiều nỗi lo đến vậy.

"Từ khi dịch bùng phát, Chính phủ cũng đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm khôi phục những khó khăn đó để giúp các doanh nghiệp và đất nước khôi phục ngành kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, thực tế là vẫn còn nhiều doanh nghiệp, người lao động còn lúng túng trong quy trình thủ tục, chưa tiếp cận được các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ", ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh.

Ông Lê Diệp Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận bày tỏ, những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải là họ vừa phải giải bài toán nguồn vốn, vừa phải lo cho tương lai khi nhân lực lành nghề bị suy giảm cùng với suy giảm chung của ngành, vốn đầu tư chưa thu hồi được...

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Nhã Linh, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các công ty du lịch đang gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, vay từ tiền ký quỹ do chính mình đóng. Đa số doanh nghiệp nhỏ đều phải tự bơi để có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Do đó bất cứ một sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng và ngân hàng cũng đều hết sức cần thiết lúc này.

Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Từ Quý Thành cũng chia sẻ về những khó khăn của các công ty du lịch trong việc xoay xở nguồn vốn duy trì hoạt động thông qua việc vay tiền ký quỹ. Bên cạnh đó, với gói tín dụng 16.000 tỉ đồng dành cho vay ưu đãi lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, phần lớn các công ty lữ hành không tiếp cận được vì Ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Trong khi du lịch là ngành đặc thù, tài sản phần nhiều là “vô hình”. “Chính phủ cần có quy định cho phép các công ty có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa được vay tín chấp. Như vậy mới giúp họ có thể duy trì được hoạt động, tránh việc phải đóng cửa, phá sản hàng loạt” - ông Từ Quý Thành đề xuất.

Đa số các doanh nghiệp kỳ vọng tiếp tục nhận các chính sách hỗ trợ cho người lao động trong ngành du lịch, cơ chế chính sách hoàn thuế, giảm thuế... Thạc sĩ Hoàng Văn Hoàn - Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp cần tham khảo kỹ các Nghị định, Thông tư có liên quan như: Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP… để tìm giải pháp phù hợp, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch.

Trong bối cảnh mới, ngành du lịch đã thấy rõ hơn yêu cầu của phát triển an toàn, bền vững để thích ứng, phục hồi và phát triển. Bài học trong phòng, chống dịch đã chứng tỏ xu hướng an toàn đang là yêu cầu tối quan trọng để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Khó khăn vẫn còn, thậm chí còn nhiều hơn nữa, nên chỉ có quyết tâm và ý chí vươn lên, cùng “dìu nhau vượt khó” mới giúp ngành “công nghiệp không khói” nước nhà tiếp tục phát triển trong thời gian tới.