Liên tiếp hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện trong các ấn phẩm phim ảnh, giải trí của nước ngoài xâm nhập vào nước ta. Cụ thể, ở phút thứ 2 của tập 30 bộ phim Hướng gió mà đi– một bộ phim của Trung Quốc - hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện khi nhân vật đang quan sát bản đồ trên màn hình ghế máy bay. Trang chủ của Website IME – đơn vị tổ chức buổi biểu diễn của nhóm nhạc Black Pink tại Hà Nội – cũng xuất hiện bản đồ có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp (“Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “Đường 9 đoạn” là vùng diện tích gần như gói trọn toàn bộ Biển Đông do Trung Quốc vạch ra và đòi chủ quyền một cách phi pháp, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế).
Đây chỉ là hai trong số những phát hiện mới nhất về tiểu xảo mượn văn hóa để lồng ghép ý đồ chính trị. Tuy nhiên, do vô tình, chủ quan, thiếu cảnh giác mà một số đơn vị, tổ chức, cá nhân đã để lọt và cho qua các hình ảnh này. Thực tế này liệu sẽ dẫn đến những hệ lụy nào và chúng ta cần đánh giá, nhận định vấn đề này ra sao? Phóng viên VOV2 đã có cuộc phỏng vấn với Nhà phê bình điện ảnh – văn học Mai Anh Tuấn.
Phóng viên: “Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” là một yêu sách của Trung Quốc không được Luật pháp và cộng đồng quốc tế thừa nhận. Mặc dù vậy, theo một cách nào đó hình ảnh “đường lưỡi bò” vẫn xuất hiện và tranh thủ mọi cơ hội để xuất hiện, đặc biệt là trên các ấn phẩm giải trí, phim ảnh. Tại sao một số ý đồ chính trị lại muốn đi theo con đường này, thưa ông Mai Anh Tuấn?
Ông Mai Anh Tuấn: Tôi cho rằng có 3 lý do chính. Thứ nhất là các sản phẩm văn hóa có tính phổ biến tương đối cao. Một bộ phim ra rạp được chiếu ở nhiều quốc gia. Những nhà sản xuất phim muốn lợi dụng sự phổ biến này để biến một điều chưa được công nhận thành một điều có thể có thật.
Thứ hai là tâm lý tiếp nhận công chúng. Khi đến rạp xem phim thì chúng ta thường có tâm lý khá là chủ quan chỉ tập trung vào câu chuyện của bộ phim, tên tuổi diễn viên mà ít khi có sự cảnh giác, băn khoăn với một số chi tiết, hình ảnh lồng vào đó mang ý đồ chính trị.
Thứ ba , tôi nghĩ nếu nhìn một cách tổng thể thì các tác phẩm điện ảnh Trung Quốc gần đây dường như họ đang muốn tạo dựng, phát tán quan điểm “đường lưỡi bò” mà nó không chỉ tái lập ở một bộ phim mà còn có cả ở những bộ phim khác. Nên tôi ngờ rằng, đằng sau đó là một ý hướng, một chủ trương của chính những nhà sản xuất phim của Trung Quốc.
Với các lý do này thì không chỉ là các sản phẩm giải trí gần đây mà trong thời gian tới sẽ còn có những hiện tượng như thế này xảy ra.
Phóng viên: Văn hóa, giải trí là con đường nhanh và dễ dàng để tác động vào nhận thức con người. Những giá trị tốt đẹp nhân văn cũng từ phim ảnh mà tạo dựng nên và ngược lại đây cũng là công cụ để lợi dụng truyền bá những ý đồ phi pháp. Điều này có lẽ chúng ta đều nhận thức được, nhất là những nhà quản lý, thế nhưng, phải chăng sự “cài cắm” đang ngày một tinh vi khiến chúng ta gặp khó trong ngăn chặn, thưa ông?
Ông Mai Anh Tuấn: Tôi đồng ý với ý kiến này của chị. Vì nếu như xem một bộ phim, chúng ta chỉ sơ suất chục giây thôi thì đã để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện. Thực tế là chỉ sau khi phim được công chiếu, các khán giá phát hiện ra thì các nhà quản lý và cả cộng động mới để ý đến. Điều này cho thấy việc mà họ cài cắm hình ảnh phi pháp về “đường lưỡi bò” trong các bộ phim rất là tinh vi.
Ngoài ra, tôi nghĩ là một số nhà làm phim Trung Quốc họ có chủ ý. Khi xem các bộ phim đang chiếu tại Việt Nam hoặc các nước khác, chúng ta đều thấy dường như họ đang muốn kiến tạo một tinh thần Trung Hoa trong việc cứu thế giới hoặc đem lại giá trị nào đó cho thế giới. Họ có chủ trương. Chính vì thế những cài cắm đó không phải là điều nhất thời mà nó là có ý đồ. Vì thế cái sự dè chừng, cảnh giác của chúng ta trở nên khó khăn hơn.
Phóng viên: Khi hình ảnh “đường lưỡi bò” được công chúng phát hiện, các đơn vị phát hành đều đưa ra lý lẽ: đó chỉ là vô tình. Đúng, người phát tán có thể không cố ý, nhưng rõ ràng người đưa hình ảnh này vào rất khó để nói vô tình.
Ông Mai Anh Tuấn: Không thể hoàn toàn đổ lỗi cho đơn vị phát hành vì họ là đơn vị kinh doanh và phát hành phim để thu lợi nhuận. Vì thế yếu tố chuyên môn của họ chưa được chuẩn bị chu đáo. Nhưng họ giải thích việc này chỉ là vô tình, không thật sự để tâm lắm thì cần phải xem lại. Đã đến lúc các nhà phát hành phim ở rạp và trực tuyến cần phải có nghiệp vụ cao về chuyên môn điện ảnh, chính trị lịch sử. Cái kiến thức này chính là barrier để chọn lọc, tiếp nhận các sản phẩm điện ảnh giải trí khi vào Việt Nam.
Tôi phải nói thêm về câu chuyện kiểm duyệt phim. Hiện có hai hướng chính là tiền kiểm đối với những phim ra rạp, hậu kiểm với phim trên internet. Tiền kiểm thì theo tôi là tương đối tốt vì đã được xem trước. Ví dụ như phim “Babie” hay là “Người tuyết bé nhỏ” đều là những trường hợp kịp thời phát hiện có hình ảnh “đường lưỡi bò” và không được phép công chiếu tại rạp.
Nhưng còn phim trên internet thì vì là hậu kiểm nên việc phát hiện hình ảnh sai phạm hơi chậm, không kịp thời, khiến cho dư luận căng thẳng hơn.
Tôi nghĩ là hình thức tạm gọi là ngăn chặn đầu vào hiện nay như thế này vẫn là một phương án tạm thời và khả thi nhưng lâu dài phải tính đến các phương án khác.
Theo tôi, trước hết chúng ta cần phải có động thái tốt hơn đối với các nhà phát hành, cần có một quy chế tốt hơn, thường xuyên trao đổi, làm việc với các nhà phát hành vì đây là đơn vị cung cấp, lựa chọn phim để trình chiếu.
Thứ hai, cần phải có một hệ thống tuyên truyền, giáo dục tốt với khán giả. Trên thực tế chúng ta thấy quyền lực của khán giả trong trường hợp này đang được thực thi tốt.
Thứ ba, quan trọng hơn, lâu dài hơn những cũng khó khăn hơn là xây dựng nền văn hóa điện ảnh, giải trí trong nước đủ mạnh để tạo ra kháng cự tốt đối với sản phẩm văn hóa nước ngoài. Làm thế nào để công chúng trong nước cảm thấy thích thú với các sản phẩm điện ảnh, giải trí trong nước. Khi đó họ có khả năng tự miễn với các sản phẩm văn hóa nước ngoài. Chúng ta biết là hiện nay hầu hết các bộ phim chiếu rạp và phát hành trực tuyến phần lớn là phim nước ngoài. Đã đến lúc thị phần đó cần có sự bù đắp, xuất hiện của giới làm phim trong nước.
Phóng viên: Trước sự việc về hình ảnh đường lưỡi bò trong phim Hướng gió mà đi, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – đã khẳng định đây là vấn đề an ninh văn hóa. Ông nói: việc quảng bá các thông tin sai lệch thông qua các văn hóa phẩm đang làm suy giảm an ninh văn hóa. An ninh văn hóa cũng là an ninh quốc gia, phải hết sức cảnh giác với những văn hóa hóa phẩm tuyên truyền sai lệch về chủ quyền quốc gia, các vấn đề chính trị khác. Quan điểm của ông về ý kiến của ông Bùi Hoài Sơn như thế nào? Và các nhà phát hành, duyệt phim nên tiếp cận vấn đề này ra sao?
Ông Mai Anh Tuấn: Tôi rất chia sẻ và đồng tình với quan điểm của ông Bùi Hoài Sơn. Đây là ý kiến rất cần lắng nghe và tham khảo đặc biệt trong bối cảnh cái sự phát hành, quảng bá sản phẩm văn hóa nghệ thuật đang trở nên phức tạp.
Chúng ta có thể thấy là không chỉ những bộ phim của Trung Quốc mà những bộ phim của Hollywood cũng bắt đầu có hình ảnh “đường lưỡi bò”. Như vậy, cái tính chất của vấn đề trở nên phức tạp hơn so với hình dung của chúng ta.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, đã đến lúc các nhà quản lý, hội đồng thẩm duyệt phim cần phối hợp với các nhà phát hành tốt hơn. Họ không chỉ duyệt chất lượng bộ phim mà còn cần lưu ý, thống nhất cao trong việc kiểm soát những hình ảnh liên quan đến an ninh văn hóa, chủ quyền quốc gia.
Đối với các đơn vị giáo dục đào tạo liên quan đến văn hóa nghệ thuật cũng cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chúng trong việc hiểu và nắm rõ những tiểu xảo, kỹ thuật của các nhà làm phim lợi dụng để đưa vào những hình ảnh phi pháp xâm phạm chủ quyền của đất nước ta
Phóng viên: Ông có nói đến quyền lực công chúng, khan giả, vậy trong trường hợp này cần phát huy ra sao?
Ông Mai Anh Tuấn: Khán giả VN dường như rất nhạy cảm và có phản ứng rất rõ ràng với những bộ phim có hình ảnh “đường lưỡi bò”. Những trường hợp vừa qua hầu hết là do khán giả phát hiện. Tôi nghĩ rằng, cái sự phản kháng của khán giả là một năng lực quan trọng và cần dựa vào điều này.
Để tranh thủ quyền lực khán giả thì cơ quan quản lý nhà nước, Cục Điện ảnh cần thực sự lắng nghe, tôn trọng những ý kiến của khán giả chứ không nên coi đây là phản ứng có tính nhất thời, định kiến. Và muốn lấy ý kiến khán giả thì cần phải có sự tập hợp, ở đây phải lấy rộng hơn hội đồng chuyên môn kiểm duyệt phim không phải chỉ 11 người nữa mà có thể là nhà nghiên cứu, giảng dạy, các nhà làm phim trong nước…Những người này cũng có tiếng nói đáng để tham khảo nhiều hơn.
Về lâu dài, tôi vẫn muốn là có lẽ đã đến lúc khán giải có kiến thức, sự giám định chất lượng phim ảnh, văn hóa nói chung một cách tốt hơn. Vì ngay cả khi những bộ phim này bị gỡ trên các nền tảng thì nó vẫn có nguy cơ xuất hiện trở lại. Chính vì thế, luôn luôn phải có sự tỉnh táo, đề kháng tốt từ phía khán giả chứ không chỉ trong một thời điểm cụ thể.
Phóng viên: Năm 2019, phim hoạt hình “Everest-người tuyết bẻ nhỏ” sau khi công chúng phát hiện có hình ảnh đường lưỡi bò trong phim sau 10 ngày công chiếu, bộ phim đã bị xóa khỏi danh sách chiếu rạp và một số nhân sự Cục Điện ảnh bị khiển trách vì để lọt hình ảnh trong quá trình duyệt phim. Và từ đây cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm của “những người gác cổng” – tức là Hội đồng thẩm định, phê duyệt. Ông có nghĩ như vậy?
Ông Mai Anh Tuấn: Đây là một câu chuyện đã có nhiều tranh cãi. Tôi không dám nói năng lực kiểm duyệt của hội đồng kiểm duyệt của chúng ta có vấn đề. Nhưng phải nói là cái áp lực của công việc, khối lượng công việc quá nhiều. Vì mỗi năm nước ta phát hành đến cả trăm, cả ngàn bộ phim. Nếu mà nhân lực mỏng thì rõ ràng là quá tải, không đủ sức kiểm soát được.
Quay trở lại, tôi muốn nói đến việc là chúng ta phải tận dụng các nguồn nhân lực khác nhau, không chỉ là 11 thành viên của hội dồng thẩm định nữa. Chúng ta có thể sử dụng đội ngũ như các nhà nghiên cứu, giảng dạy, các nhà làm phim trong nước để tham chiếu, tham khảo để đưa ra quyết định nhanh hơn và chất lượng hơn.
Phóng viên: Cũng như mọi lần, lần này lại này là một sự vô ý khi để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” trong phim nhưng những kẻ lợi dụng chỉ cần vậy là đạt mục đích. Những “cái bẫy” vẫn đang được cài cắm trong các sản phẩm văn hóa, có lẽ đã đến lúc chúng ta không thể cứ mãi lấy cái cớ “vô tình” để lọt mà che đậy cho sự vụng về, dễ dãi trong quá trình rà soát, phê duyệt phim và các sản phẩm văn hóa khác.
Xin được cảm ơn Nhà phê bình điện ảnh – văn học Mai Anh Tuấn!
Cách đây ít ngày, phim “Barbie” cũng đã bị cấm chiếu ở Việt Nam vì có hình ảnh phi pháp, hình ảnh phi pháp lặp lại nhiều lần. Tháng 3/2022, phim “Thợ săn cổ vật”(Uncharted) có Tom Holland đóng chính cũng bị cấm khởi chiếu với lý do tương tự.
Năm 2021, Netflix Việt Nam gỡ 6 tập series “Gián điệp Pine Gap” sau khi cơ quan chức năng phát hiện phim có hình ảnh phi pháp đường lưỡi bò.
Liên tục trước đó những bộ phim như “Everest: Người tuyết bé nhỏ, Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta...” cũng có những vi phạm khi có hình ảnh đường lưỡi bò trong phim
Đó là trong điện ảnh, ngoài ra chúng ta cùng từ phát hiện: 1 đoàn khách du lịch mặc áo in hình đường lưỡi bò phi pháp, quả địa cầu bán tại cửa hàng lưu niệm ở Anh cũng in hình đường lưỡi bò hay một quyển sách thiếu nhi dịch từ nguyên tác Trung Quốc cũng để lọt hình ảnh đường lưỡi bò…