Đền thờ vua Lê Thái Tổ được xây dựng để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc, người đã có công dẹp loạn vùng Tây Bắc, mang lại sự bình yên cho nhân dân. Di tích bia Lê Lợi được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia và Đền thờ Vua Lê Thái Tổ cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đền thờ Vua Lê Thái Tổ tọa lạc tại vị trí đắc địa, cao ráo, có thể phóng tầm mắt 4 phía. Tại quần thể đền thờ còn có một di tích quý báu đó là di tích bia Lê Lợi.
Tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau "Bia cổ hoài lai".
Di tích có diện tích khoảng 2,4 ha, bao gồm một số hạng mục được bố cục trên mặt bằng tổng thể với tổng diện tích khoảng 500 m2. Cụm kiến trúc gồm cổng Tam quan xây kiểu 2 trụ nằm thẳng đứng; Nghi môn; sân chính; nhà che bia và khu đền thờ. Xung quanh khuôn viên có trồng hệ thống cây xanh và cây lưu niệm.

Sử sách ghi lại, tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), sau khi bình định vùng Tây Bắc, trên đường quay trở về qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn ngày nay, vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc bài văn bia vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà. Tấm bia cổ Hoài Lai ấy là chứng tích khẳng định chủ quyền, thống nhất quốc gia nơi biên giới của Tổ quốc.
Văn bia ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Thái Tổ thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc. Đó là năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại), quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu, Sơn La)...
Phát huy giá trị của Di tích cấp Quốc gia Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và bảo vật cấp Quốc gia bia Vua Lê Thái Tổ (bia cổ hoài lai), hàng năm, cứ vào ngày 11 tháng 01 (âm lịch), UBND huyện Nậm Nhùn lại long trọng tổ chức Lễ hội Đền thờ vua Lê Thái Tổ với đầy đủ các nghi thức truyền thống và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn, tạo không khí rộn ràng, phấn khởi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia.
Lê Thái Tổ tên húy là Lê Lợi (sinh năm 1385), xuất thân là hào trưởng, có sức ảnh hưởng lớn trong vùng.
Năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương khởi xướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân Minh giải phóng đất nước, được nhân dân và hào kiệt khắp nơi hưởng ứng.
Trong 10 năm chiến đấu, Lê Lợi đã chỉ huy đánh hàng trăm trận, chiến thắng quân Minh. Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt đồng thời bắt tay vào xây dựng một triều đại hưng thịnh...
Xin mời nghe nội dung bài viết tại đây: