Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố là: Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Khu vực này có 700 km bờ biển, cùng với đó là hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000 km; 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long còn có nhiều lễ hội đặc sắc: Lễ hội Bà chúa Xứ, hội đua bò Bảy Núi, lễ hội Oóc-Om-Bóc, đua ghe ngo… Đây là những tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch.

Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, với vai trò trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ có cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không được đầu tư khá đồng bộ, nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, tập trung nhiều loại hình thương mại dịch vụ và vui chơi giải trí, đáp ứng tốt điều kiện phát triển du lịch. Trong thời gian tới, Cần Thơ xác định tập trung phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng trên cơ sở lập các quy hoạch phát triển du lịch địa phương, các khu du lịch trọng điểm, các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn vùng.

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, khó khăn lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển du lịch là kết nối giao thông còn rất hạn chế. Mặc dù, vùng có thế mạnh về đường sông, đường biển, đường bộ và đường hàng không, nhưng sự kết nối giao thông nội vùng rất khó khăn. Tuyến đường bộ toàn vùng và nội vùng chưa hình thành mạng lưới đáp ứng yêu cầu của du lịch, còn thiếu hạ tầng giao thông, cảng, trạm dừng chân... Đáng chú ý là dịch vụ homestay ở các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có sự “sao chép” lẫn nhau, không có sự đột phá riêng ở mỗi điểm, nên dịch vụ này vẫn đang loay hoay tìm khách.

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc công ty Travelogy nêu thực tế: Chính vì điều kiện tự nhiên tương đồng nên sản phẩm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự na ná nhau, chưa có dấu ấn riêng của mỗi địa phương. Đây là hạn chế lớn nhất trong phát triển du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, muốn thu hút lượng du khách đông hơn thì Cần Thơ nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung phải định vị lại thương hiệu, tăng cường quảng bá các điểm đến. “Định vị thương hiệu ở đây tôi cho rằng cần phải tổ chức chương trình hoặc là những sản phẩm mang thương hiệu là dòng chảy văn hóa sông Hậu. Bởi dòng chảy văn hóa sông Hậu bao hàm tất cả những nội hàm và ngoại hàm từ văn hóa, từ con người… Du khách đến đồng bằng sông Cửu Long không chỉ đơn giản là ăn uống mà người ta đi thăm chợ nổi, xem tất cả những nét đặc trưng của bản địa, di sản vật thể, phi vật thể cũng như các làng nghề, lịch sử hình thành 300 năm của dòng sông Hậu… Tạo dựng thương hiệu dòng chảy văn hóa sông Hậu sẽ rộng lớn hơn là tạo dựng thương hiệu chợ nổi Cái Răng hay Cái Bè”, ông Vũ Văn Tuyên chia sẻ.

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, địa phương vừa thực hiện chương trình xúc tiến du lịch tại Cần Thơ và 1 số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, Du lịch đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang có sức hút rất lớn, thế nhưng thách thức hiện nay là làm sao để xây dựng những chương trình mới, đặc sắc để tránh trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương. Mặt khác, các địa phương cũng có thể treo logo, các ấn phẩm của tỉnh bạn để hỗ trợ nhau quảng bá, cũng sẽ đem lại hiệu quả hơn. “An Giang đã treo logo, các ấn phẩm du lịch của Ninh Bình tại các điểm du lịch của An Giang và ngược lại Ninh Bình cũng làm như thế. Đây là cách làm vừa hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí, đồng thời giúp hỗ trợ nhau kết nối quảng bá cho du khách trong nước và quốc tế khi đến các điểm du lịch của nhau”.

Để tránh sự trùng lặp trong các sản phẩm du lịch, cần thúc đẩy sự liên kết các địa phương nhằm xác định cụ thể đặc thù của từng tỉnh để xây dựng các nội dung phối hợp cụ thể. Bà Đào Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ khẳng định: “Đến Cần Thơ là gắn với du lịch sông nước, du lịch tâm linh sẽ là An Giang, còn Kiên Giang là sản phẩm du lịch biển đảo… Hay trong ẩm thực, du khách phải có ấn tượng xuống Bạc Liêu ăn tôm tươi, nhưng muốn ăn cá lóc nướng trui thì phải chọn Cần Thơ, An Giang. Phân chia đặc trưng như vậy du khách sẽ biết cần lựa chọn gì khi du lịch đồng bằng sông Cửu Long”.