Đúng dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022 đã được tổ chức trang trọng.

Theo đó, 128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Giải thưởng dành tặng những tác giả có một hoặc nhiều công trình về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Phát biểu tại buổi lễ trang trọng này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương, chúc mừng và dành tình cảm sâu sắc tri ân các thế hệ đội ngũ văn nghệ sĩ, các tác giả, thân nhân tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Chủ tịch nước cho rằng đây là dịp để vinh danh những văn nghệ sĩ, bằng tài năng sáng tạo và sức lao động bền bỉ đã làm ra các tác phẩm, cụm tác phẩm có giá trị đặc biệt xuất sắc về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ và nhận thức của nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“Đảng ta coi văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, trân trọng, khuyến khích, biểu dương và tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, và khoa học” - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, trước những thách thức đang đặt ra hiện nay, đất nước ta cần nhiều hơn nữa các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc. “Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ. Bằng tâm thế sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp chung, trước những biến động của thời đại, các văn nghệ sĩ cần có bản lĩnh vững vàng và sự tỉnh táo để vượt qua những thách thức bên ngoài và vượt lên chính mình. Đảng, Nhà nước và Nhân dân tiếp tục tin tưởng, chờ đợi những tác phẩm văn học nghệ thuật mới, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta” - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ.

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của văn học nghệ thuật, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, tiếp tục xây dựng những cơ chế hiệu quả để quảng bá, giới thiệu các tác phẩm hay, xuất sắc đến với công chúng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó chú trọng thiết lập môi trường dân chủ, tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, mở rộng biên độ tự do trong sáng tác hơn nữa, phát huy tài năng văn học nghệ thuật. Chăm lo đời sống của văn nghệ sĩ, để văn nghệ sĩ có thể sống được với nghề, bằng tài năng và sự cống hiến.

8 tác giả, đồng tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh 2022 gồm:

Nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Hồng Đăng) với cụm tác phẩm: “Lênh đênh”, “Đêm hành hương về huyền thoại”, “Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ”, “Khao khát”, “Gửi một câu hát cho Tokyo”.

Tác giả Chu Chí Thành với bộ ảnh “Hai người lính” (gồm 4 ảnh).

Tác giả Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh) với bộ ảnh: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” (gồm 10 ảnh).

NSND Đặng Hùng (đồng tác giả) với các tiết mục múa: “Nước về”; “Vũ khúc Raklây”; “Óng ánh tơ vàng”.

NSND Vũ Việt Cường (đồng tác giả) với tiết mục múa “Mâm vàng”, tổ khúc múa “Sài Gòn ngày ấy”, kịch múa “Chuyện tình non song”.

NSND Lê Văn Khình (Lê Khình) (đồng tác giả) với các tiết mục múa: “Những bông hoa đỏ của rừng”; “Những cô gái Phiêng Hào”.

PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh (đồng tác giả) với các tác phẩm kịch múa: “Đất nước”, “Ngọn lửa”; sách “Con đường dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp”.

PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển (đồng tác giả) với các tác phẩm thơ múa: “Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn”, tiết mục múa “Xuân về trên bản Khơ Mú”, “Bức tranh thôn nữ”.

Ngoài ra, có 8 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh 2022: Nhạc sĩ Văn Ký (Vũ Văn Ký); tác giả Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước); tác giả Hoàng Châu Ký; tác giả Nguyễn Xuân Trình; tác giả Nguyễn Xuân Đức; tác giả Hoàng Trung Thông; tác giả Bùi Hiển; đồng tác giả, nghệ sỹ Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải).

Cũng trong đợt này có 87 tác giả, đồng tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và 25 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Bắt đầu từ năm 2001, theo thông lệ Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước được xét và trao 5 năm 1 lần. Đến nay, giải thưởng đã có 5 đợt trao thưởng. Với những tác giả, đồng tác giả, được nhận giải thưởng danh giá này là niềm vinh dự, là món quà ý nghĩa của cả đời người.

Tại lễ trao giải thưởng Nhà nước năm nay có một điều khá đặc biệt, đó là có hai anh em tác giả cùng được nhận Giải thưởng quý giá này. 2 anh em ruột, Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Thọ Muối) với tác phẩm Quyên và em trai, NSND Nguyễn Thước với phim tài liệu: Không chỉ là thương hiệu, Đất lạnh, Cỏ xanh im lặng. Chia sẻ cảm xúc về giải thưởng, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói: “Đối với tôi đây là giải thưởng vô cùng cao quý. Bởi vì công sức, trí tuệ của mình được ghi nhận. Quan trọng nhất đối với một tác phẩm văn học nghệ thuật phải là bạn đọc, công chúng cảm nhận và có sức bền đối với thời gian. Khi được giải này tôi nhớ những buổi đầu tiên mình theo đuổi con đường văn học và người có công nhất trong sự nghiệp văn học của tôi chính là cố nhà thơ Bế Kiến Quốc”.

Nhạc sĩ Trần Nhật Dương, nguyên Trưởng ban Âm nhạc, Đài TNVN là một trong những tác giả được nhận giải thưởng Nhà nước với cụm tác phẩm ca khúc “Người đàn bà ngược nắng”, “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh”, tổ khúc cho piano “Nhịp điệu chiêng cồng” và sonatine “Khúc suy tưởng”. Với ông, đây không chỉ là vinh dự mà còn là món quà quý của đời: “Được nhận giải là một điều hết sức vinh dự đối với tôi cũng là lời động viên khích lệ cổ vũ để tôi tiếp tục có những sáng tạo, đóng góp cống hiến cho cách mạng Việt Nam tốt hơn nữa”.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật là những phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Giải thưởng cao quý này thực sự là liều thuốc bổ dưỡng quý giá lan tỏa tinh thần cống hiến, sáng tạo, là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà.