Lào Cai là một tỉnh miền núi, được thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là tài nguyên du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Lào Cai phát triển thành một trong những ngành có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo. Những mô hình du lịch cộng đồng xuất hiện ngày càng nhiều, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương.

Là trung tâm du lịch của Lào Cai, những năm gần đây, du lịch Sa Pa phát triển với tốc độ rất nhanh, đặc biệt mô hình du lịch cộng đồng tại Sa Pa được xem là một trong những điển hình tiêu biểu về tính hiệu quả trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Từ những mô hình du lịch cộng đồng thí điểm như: Cát Cát, Sín Chải (xã San Sả Hồ), Bản Dền với vài hộ dân tham gia, đến nay Sa Pa đã nhân rộng mô hình này ra nhiều xã như: Tả Van, Tả Phìn, Nậm Cang, với sự tham gia của hàng trăm hộ dân làm du lịch, doanh thu của nhiều hộ đạt 40-50 triệu đồng/năm đến hàng trăm triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo ở các điểm du lịch giàu nhanh gấp 2-3 lần so với các nơi khác.

Ông Sùng A Đèo, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết, nhờ làm du lịch mà kinh tế gia đình tốt hơn rất nhiều. "Trong quá trình đón khách du lịch tôi thấy là nó mang lại lợi ích và hiệu quả kinh tế hơn so với làm những cái khác, nhưng trong quá trình làm thì cũng gặp những trắc trở như không có vốn. Mấy năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì cũng được hỗ trợ đầu tư mua trang thiết bị, nâng cấp các công trình vệ sinh… Tôi thấy làm du lịch không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con và cũng tạo nguồn thu nhập đáng kể".

Không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ ở địa phương khi dẫn dắt họ tham gia thường xuyên vào các hoạt động du lịch, chị Sùng Thị Lan - Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa còn cùng bà con bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua các sản phẩm dệt. Bởi theo chị, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là điều hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Từ mô hình du lịch cộng đồng ở Sa Pa, hiện nay huyện Bắc Hà đã bắt đầu chú trọng xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch ở Trung Đô, Tả Van Chư, Tà Chải, Na Hối, Bản Phố. Hướng đi, cách làm du lịch cộng đồng ở Bắc Hà nói riêng và Lào Cai nói chung mang lại hiệu quả ở chỗ loại hình du lịch này đã và đang trở thành sinh kế bền vững của người dân địa phương, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, đến nay Lào Cai đã hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chuyên nghiệp mang thương hiệu riêng. Câu chuyện du lịch ngày càng lan tỏa hơn trong cộng đồng và từng bước hình thành sinh kế bền vững cho nhân dân, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các sản phẩm du lịch cộng đồng vẫn không ngừng được làm mới trên nền tảng bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc trên địa bàn.

"Không chỉ ở những điểm du lịch nổi tiếng như cáp treo Sa Pa và ở các địa bàn khác như Nghĩa Đô, Bảo Yên, Văn Bàn… chúng tôi đều có các sản phẩm du lịch, những sản phẩm rất mới mẻ, gần gũi, vừa là phát huy bản sắc văn hóa vừa đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị", ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết.

Với tư duy làm du lịch cộng đồng một cách chủ động, đồng bào các dân tộc ở Lào Cai đã làm say lòng bao du khách bởi những giá trị cốt lõi riêng của mình. Người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập, bài toán thoát nghèo dần được tháo gỡ.

Mời nghe bài viết tại đây: