Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã khẳng định là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, là điểm hội tụ tâm linh của người Việt. Những giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang được cộng đồng người Việt gìn giữ, bảo vệ, trao truyền và phát huy trong đời sống.

Ngọc phả Hùng Vương (1470) đã chép: “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hậu Lê (1418 - 1527) vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (nay là làng cổ Tích), ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của các đấng Thánh Tổ xưa”.

Thời nhà Nguyễn tiếp tục tôn vinh các Vua Hùng với chủ trương quốc thống, giao các địa phương kê khai thần tích; rước linh vị Đền Hùng vào thờ tại miếu Lịch đại đế vương ở Kinh thành Huế.

Đồng thời, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo các đền: Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Giếng... Các vua nhà Nguyễn theo lệ cứ 5 năm (vào các năm tròn, năm chẵn) nhà nước đứng ra tổ chức Lễ Giỗ Tổ (Quốc lễ) tại Đền Hùng, còn các năm lẻ do địa phương tổ chức.

Đến năm Khải Định thứ 2 (1917) ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm mới được chính thức hóa bằng luật pháp. Và từ đó đến nay, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành ngày Quốc Giỗ.

Ông Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Phú Thọ cho rằng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt mà còn trở thành đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước. "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ lòng biết ơn của nhân dân ta đối với ông tổ Vua Hùng. Chính vì thế mà nhân dân đã tôn thờ Vua Hùng, lập nên các đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để con cháu mãi mãi thờ tự. Đó cũng là thể hiện đạo lý truyền thống quý báu của người Việt ta".

Những giá trị nổi bật về sự phổ cập rộng rãi và truyền thống lâu đời của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt trong bảo tồn sức sống của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên mọi miền Tổ quốc, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài như một bản sắc văn hóa truyền thống được duy trì, kế tục và phát huy. Đó cũng chính là một trong những tiêu chí để UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, có một điều không bao giờ thay đổi, đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn luôn nằm trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. "Niềm tin tín ngưỡng đó giúp tạo ra sức mạnh của lòng đoàn kết, sức mạnh của tinh thần yêu nước - không chỉ ở trong nước mà còn ở ngoài nước. Ngày Quốc Tổ Hùng Vương toàn cầu chính là một minh chứng như vậy để chúng ta có được một ngày Quốc Tổ được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới, để hướng niềm tin, hướng tâm linh của người dân Việt Nam ở khắp thế giới về với đất tổ, về với lễ hội Đền Hùng. Điều đó tạo ra tình đoàn kết, tinh thần yêu nước, thực sự tạo ra một sức mạnh Việt Nam”.

Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt đến đỉnh cao của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân.

Nghe bài viết tại đây: