Theo bà Vương Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hà Giang là vùng đất hội tụ những giá trị đặc biệt, nơi thiên nhiên hùng vĩ quyện hòa với bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số, nơi cộng đồng đồng lòng gìn giữ và phát huy những di sản sống động giữa đại ngàn. Hà Giang đang dần khẳng định vị thế là điểm đến mang tầm vóc quốc gia và khu vực khi thường xuyên nằm trong danh sách các điểm đến lý tưởng do các Tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. The New York Times (Mỹ) đã xếp Hà Giang vào danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới; được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023”; “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”.

Chia sẻ với phóng viên VOV2, bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang thông tin, với lợi thế về cảnh quan, địa chất địa mạo, chủ yếu nằm ở hai vùng là: vùng cao núi đá thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và vùng núi đất phía Tây với di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, ngành du lịch Hà Giang đang phát triển thêm các loại hình du lịch mạo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Các loại hình du lịch mạo hiểm có thể khai thác được ở Hà Giang là các môn leo núi, đi bộ băng rừng, chèo thuyền vượt thác, bay dù lượn. Cho đến nay, Hà Giang đã tổ chức các loại hình như đi bộ trên vách đá trắng ở Mã Pì Lèng; bay dù lượn qua các hẻm núi ở Quản Bạ, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Hà Giang tập trung phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm hướng đến đối tượng khách là người có thu nhập cao và lưu trú lại dài ngày, từ đó doanh nghiệp, người dân địa phương vừa được hưởng lợi vừa phát triển du lịch có trách nhiệm từ loại hình này.

Tuy nhiên, theo chuyên gia chuyển đổi số du lịch Nguyễn Quyết Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO VietISO, để nổi bật trên các nền tảng tìm kiếm toàn cầu, Hà Giang cần đẩy mạnh chuyển đổi số một cách bài bản:

“Trước tiên, cần xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Hà Giang trên môi trường số, nhất quán và dễ nhận diện. Tiếp theo là phát triển hệ sinh thái du lịch số với cổng thông tin chính thức, tích hợp bản đồ số, công nghệ AI, app di động, trải nghiệm AR/VR và hệ thống booking online, qua đó hình thành cơ sở dữ liệu du lịch hoàn chỉnh. Đồng thời, cần tăng cường truyền thông số với nội dung hấp dẫn, đào tạo kỹ năng số cho cộng đồng làm du lịch, kết nối với nền tảng du lịch số cấp vùng và quốc gia, và sử dụng công cụ phân tích dữ liệu để tối ưu hiệu quả. Khi thương hiệu Hà Giang hiện diện đúng cách trên môi trường số, điểm đến sẽ lan tỏa mạnh mẽ tới du khách toàn cầu”, ông Nguyễn Quyết Tâm nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Tràng An (Tràng An Travel) cho rằng, mặc dù Hà Giang sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa vô cùng đặc sắc, nhưng để hút khách chất lượng cao và kéo dài thời gian lưu trú, địa phương cần đẩy mạnh liên kết xây dựng tour, tuyến và quảng bá thương hiệu. Việc kết nối này không chỉ tạo ra hệ sinh thái du lịch đồng bộ, mở rộng mà còn giúp địa phương tận dụng tối đa tài nguyên du lịch hiện có.

“Khoảng cách địa lý xa xôi là yếu tố cản trở các du khách quốc tế chọn Hà Giang làm điểm đến trong chuyến du lịch Việt Nam. Chính vì vậy, ngành du lịch Hà Giang cần tạo ra những sự kiện lễ hội quy mô lớn, định kỳ để kéo du khách trở lại nhiều lần. Chẳng hạn ngoài lễ hội hoa Tam giác Mạch, mùa lúa chín ruộng bậc thang Hoàng Su Phì hay phiên chợ tình ở Khau Vai, Hà Giang có thể tổ chức các lễ hội hoa mai anh đào, hoa đào, hoa mơ, hoa mận vào mùa Xuân trên Cao nguyên đá Đồng Văn; mùa hoa đỗ quyên trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh, huyện Vị Xuyên; mùa hoa mộc miên tại huyện Mèo Vạc; hoa tường vi tại huyện Quang Bình... qua đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour hút du khách”, ông Nguyễn Hữu Cường nêu ví dụ.

Ấn tượng với vùng đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang trong lần đầu đến Hoàng Su Phì, ngài Ali Akbar Nazari - Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran cho biết, ông bị mê hoặc bởi vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa của nơi này. Được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang, gặp gỡ những cộng đồng địa phương và khám phá những đồi trà xanh tươi là những trải nghiệm đặc biệt sâu sắc. Đại sứ Iran nhận thấy, tiềm năng to lớn cho sự hợp tác song phương giữa hai quốc gia để quảng bá và chia sẻ vẻ đẹp của trà shan tuyết và văn hóa Hà Giang với thị trường Iran và ngược lại, giới thiệu các sản phẩm trà truyền thống của Iran đến Việt Nam.

Ngài Đại sứ cũng cho rằng, có thể khởi động một sáng kiến du lịch bền vững, tạo ra các chương trình chung cho những người đam mê du lịch sinh thái ở cả hai quốc gia, nêu bật vai trò của trà trong các trải nghiệm du lịch bền vững. Cũng có thể chia sẻ kiến thức và chuyên môn về canh tác trà bền vững, tận dụng lịch sử lâu đời của Iran trong lĩnh vực nông nghiệp và các hoạt động đổi mới của Việt Nam.