Năm 2021 do ảnh hưởng tiêu cực của hai đợt bùng phát dịch Covid-19 (lần thứ ba và lần thứ tư), khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu và chỉ bao gồm khách du lịch nội địa với 4 triệu lượt khách (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020 và bằng 36,3% kế hoạch đề ra). Tổng thu từ khách du lịch đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40,2% năm 2020 và bằng 36,8% tổng thu từ khách du lịch nội địa của kế hoạch đề ra).

Để từng bước phục hồi, phát triển ngành Du lịch góp phần vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch, vừa thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội trong các năm 2022 - 2023; cần thiết phải xây dựng các phương án, kế hoạch phục hồi cụ thể đối với ngành Du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trước mắt trong các năm 2022 - 2023 là phục hồi, thu hút thị trường khách du lịch nội địa, mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình của Chính phủ.

Ngành Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp của thành phố

Khẳng định vai trò quan trọng của ngành Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn có tác động sâu rộng, lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác của Thành phố. Vì vậy, cần xác định lộ trình, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể từng bước mở cửa, hồi phục ngành Du lịch Thủ đô năm 2022 - 2023 đảm bảo thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Xây dựng các giải pháp đồng bộ hỗ trợ thực chất, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới. Tăng cường, khẳng định vai trò, năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố, giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Đặc biệt, các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch phải đảm bảo tuyệt đối các quy định, điều kiện về phòng, chống dịch và các tiêu chí về đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố.

Xây dựng hệ thống các quy định, giải pháp thống nhất đảm bảo thuận lợi cho hoạt động của khách du lịch, doanh nghiệp và người lao động. Tập trung triển khai các chính sách tác động ngay và một số chính sách dài hạn có tác động thúc đẩy ngành Du lịch Thủ đô phát triển bền vững. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch trong quá trình phục vụ khách du lịch. Huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, tour du lịch đặc sắc, hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Theo dõi, nắm bắt các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các cơ sở dịch vụ, lưu trú, lữ hành, các khu, điểm tham quan du lịch khôi phục hoạt động.

Vì vậy, từng bước phục hồi ngành du lịch Thủ đô, tiến tới mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trở lại bình thường trong năm 2022. Phấn đấu năm 2022, Hà Nội đón và phục vụ từ 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 - 2,0 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84 - 35,84 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu năm 2023, Hà Nội đón và phục vụ từ 12 - 14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 - 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 42,78 - 55,78 nghìn tỷ đồng.

Định hướng phục hồi, phát triển sản phẩm du lịch Thủ đô, thị trường khách du lịch

Phát triển sản phẩm du lịch Thủ đô dựa theo tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực, tập trung vào khu vực Trung tâm Thành phố, khu vực ven đô và khu vực ngoại thành, cụ thể:

Đối với khu vực Trung tâm Thành phố: Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa di sản, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch MICE, sản phẩm du lịch đêm.

Đối với khu vực các quận, huyện ven đô: Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đối với khu vực ngoại thành: Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực để phục hồi; tổ chức khai thác thị trường khách du lịch quốc tế theo trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ, cụ thể:

Thị trường khách nội địa: Trong giai đoạn đầu tập trung khai thác thị trường khách là người dân đang sinh sống làm việc trên địa bàn Thành phố và tại các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Sau đó mở rộng đối tượng khách đến từ các thị trường du lịch trọng điểm miền Trung, miền Nam, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thị trường khách quốc tế: Trong giai đoạn đầu tập trung khai thác thị trường khách đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Sau đó mở rộng đối tượng khách đến từ các thị trường du lịch trọng điểm như: Bắc Mỹ, EU. Nghiên cứu, khai thác khách từ các thị trường tiềm năng như: Ấn Độ, Trung Đông, Úc.

Căn cứ tình hình dịch bệnh được kiểm soát theo các cấp độ dịch tại từng khu vực, địa phương; các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đón khách du lịch cập nhật thông tin, thực hiện nghiêm theo các chỉ đạo, hướng dẫn về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của Thành phố....

UBND Thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị được phân công kịp thời báo cáo tiến độ triển khai, các khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Du lịch để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố./.