Nhu cầu khám phá những điểm đến mới của khách du lịch, thúc đẩy tăng trưởng của các hãng hàng không. Ngược lại, hàng không mở đường bay, tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Tuy nhiên sự phối hợp thiếu ăn ý trong thời gian trở lại đây để dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm.

Du lịch bằng hàng không là loại hình rất phổ thông. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, tình trạng vé máy bay trong nước tăng khá cao khiến các công ty lữ hành cũng phải điều chỉnh sản phẩm du lịch làm sao cho phù hợp.

“Đối với những tuyến gần mà có thể thay đổi phương tiện máy bay thì chúng tôi đã sử dụng phương tiện khác đó là tàu hỏa – là 1 phương tiện đầu tư rất nhiều, rất chiều khách. Tuyến miền Trung như đi Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình hoàn toàn có thể bằng phương tiện tàu lửa.

Thứ 2 chúng tôi phải xây dựng các sản phẩm du lịch nội vùng sử dụng phương tiện bằng ô tô để làm sao cấu thành giá tour tương đối phù hợp thay vì xây dựng sản phẩm du lịch xa vào Nam Trung Bộ hay Tây Nguyên, Phú Quốc hay thành phố Hồ Chí Minh” - ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho biết.

Trước đây giá vé máy bay cấu thành khoảng 50% giá tour dịch vụ trong nước. Hiện nay con số này lên đến 70% .Giá vé đi Phú Quốc hiện có giá từ 8-10 triệu đồng, thì cấu thành giá tour từ 12-15 triệu/1 người (tùy khách sạn 3 sao hay 5 sao), chưa kể vào dịp nghỉ lễ, giá sẽ cao hơn rất nhiều.

Trong khi đó, sản phẩm du lịch của các nước trong khu vực thì rất hấp dẫn, ví dụ du lịch Bangkok – Pattaya 5 ngày 4 đêm giá 7,5 triệu đồng, Chiang Mai từ 10-12 triệu đồng. Đối với sản phẩm du lịch đi Đông Dương như Viêng Chăn, Luang Prabang hay Phnom penh Siem riep bằng đường bay khoảng 10-12 triệu đồng, với đường bộ thì giá chỉ tầm 8 triệu đồng.

Với các sản phẩm du lịch Trung Quốc, hiện nay hấp dẫn nhất là Trương Gia Giới – Phượng hoàng cổ trấn có giá 10 triệu đồng, các tour đi Côn Minh, Thành Đô từ 12-15 triệu đồng. Đi Đài Loan giá tour cũng chỉ 12 triệu đồng. Đặc biệt như Hàn Quốc là đất nước mà chúng ta nghĩ là chi trả cao thì với chi phí khoảng 13 triệu đồng là du khách có thể lựa chọn một chuyến đi đến xử sở kim chi.

Như vậy, với cùng 1 sản phẩm, giá tour từ 4-5 ngày bằng đường bay thì giá tour trong nước của chúng ta đang bằng thậm chí cao hơn khá nhiều các điểm đến khác trong khu vực.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển – Tổng Công ty Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thông tin, việc tăng giá để bù đắp chi phí cho ngành hàng không. Nói cách khác, các hãng hàng không cũng không có giải pháp nào khác ngoài việc tăng giá vé để bảo đảm sự sống còn của chính mình.

"Hơn 2 năm Covid thì tình hình tài chính của các hãng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thứ 2 là tình hình về giá nhiên liệu, thứ 3 là tỉ giá, dẫn đến các hãng gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề về tài chính" - ông Trung cho biết.

Để có 1 giá tour hấp dẫn như vậy, theo ông Nguyễn Công Hoan, bên cạnh các công ty lữ hành, còn có sự đồng hành rất lớn của ngành hàng không.

Gần đây nhất khi mở cửa du lịch, Trung Quốc là một trong những đất nước có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hãng hàng không khi mở đường bay sang nước họ.

“1 tour du lịch đi Trương Gia Giới – Phượng Hoàng cổ trấn chỉ có 10 triệu đồng hay 1 tour du lịch đi Côn Minh, Thành Đô, hoặc đi Hải Nam đâu đó khoảng 7 triệu bởi chính quyền của tỉnh Hải Nam, chính quyền tỉnh Vân Nam hỗ trợ cho các hãng hàng không khi họ mở đường bay đến đây. Mỗi 1 chuyến bay hỗ trợ một số tiền rất là lớn. Khi khuyến khích hàng không, hỗ trợ giá như vậy thì cấu thành tour rẻ, doanh thu lúc này sẽ đến từ thương mại, dịch vụ, mua sắm” – ông Hoan phân tích.

Du lịch cần hàng không vận chuyển khách, hàng không cũng cần du lịch tạo một lý do để khách bước lên máy bay. Tuy nhiên sự phối hợp này cho đến nay vẫn thiếu một bàn tay đạo diễn. Vậy đơn vị nào sẽ đảm nhiệm chức năng điều phối, đảm bảo doanh thu như mong muốn của cả 2 ngành du lịch và hàng không?

Đóng vai trò “nhạc trưởng” là Chính phủ - đây là quan điểm của ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours.

Ngành hàng không cũng là một ngành kinh doanh và ngành lữ hành cũng là một ngành kinh doanh, sẽ không dễ dàng để 2 bên cùng quyết định làm mọi thứ chậm lại để giải quyết những bài toán bên trong. Tuy nhiên chúng ta cần tính toán đến mục tiêu chung của Quốc gia.

“Tôi được biết Chính phủ có Ban chỉ đạo nhà nước về phát triển du lịch, trong đó đại diện Bộ Văn hóa thể thao du lịch, Bộ Giao thông vận tải cũng là thành viên. Và ở cấp độ Quốc gia, Chính phủ sẽ có vai trò tính toán, điều phối tìm lợi ích chung và lợi ích chung đó các ngành sẽ phải tham gia như thế nào và sẽ được bù đắp ra sao? Việc này cũng cần quy định rõ” – ông Hoan bày tỏ quan điểm.

Còn 1 việc cụ thể hơn đó là chính quyền địa phương các điểm đến. Họ có thể là trung gian mời du lịch đến, mời hàng không đến, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ hàng không như thế nào, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ du lịch như thế nào và các doanh nghiệp được hưởng lợi khi hàng không được giảm giá đến vùng này thì sẽ phải tham gia đóng góp ra sao. Chúng ta phải có sự chia sẻ quyền lợi, ngược lại cũng phải chia sẻ với nhau về trách nhiệm. Phương án này giúp cả hàng không và du lịch cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất./.