Chia sẻ với VOV2, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết,nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong những nhạc sĩ thế hệ đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, một trong những sinh viên, học sinh đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam những năm 1956 - 1957.

Suốt cuộc đời từ khi là một chàng thanh niên, sinh viên, học sinh của trường Âm nhạc Việt Nam cho đến khi trở thành Phó Tổng thư ký Hội vào những tổ chức của học sinh, sinh viên, nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ hoạt động trong lĩnh vực sáng tác, ông còn là một nhà giáo, có đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng các giáo trình thuở ban đầu về sáng tác, phối khí, âm nhạc, về tính năng nhạc cụ, tốp điệu… Những giáo trình hiện nay ông để lại vẫn được sử dụng trong nhà trường là những giáo trình lõi của kiến thức cơ bản.

Nhớ tới nhạc sĩ Hồng Đăng, là nhớ tới người đã tham gia giảng dạy rất nhiều năm tại trường Âm nhạc Việt Nam ở bộ môn sáng tác. Ông còn là Tổng Biên tập tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong nhiều năm liền. Với kiến thức sâu rộng và sự nhiệt tình trong nghề nghiệp, ông có sức lan tỏa rất lớn đối với đồng nghiệp, đặc biệt là với các thế hệ nhạc sĩ sau này, từ nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phú Quang, Đỗ Hồng Quân... thế hệ cùng là học sinh khoa sáng tác của trường Âm nhạc Việt Nam...

Với cương vị là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhạc sĩ Hồng Đăng là cầu nối liên kết giữa âm nhạc miền Bắc xã hội chủ nghĩa với miền Nam sau khi đất nước thống nhất năm 1975. Ông là người kết nối nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Văn Cao, các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Từ Huy… Ông là người bạn lớn trong giới âm nhạc được các nhạc sĩ Việt Nam rất yêu quý. Ông không chỉ là một nhạc sĩ sáng tác những ca khúc rất nổi tiếng như “Quà tháng 5 dâng Bác”, “Hoa sữa"... được công chúng rất yêu thích, mà còn là nhà sáng tác khí nhạc, một trong những người soạn những bản hợp xướng đầu tiên của Việt Nam.

Nhạc sĩ Hồng Quân nghẹn ngào: Sự ra đi của nhạc sĩ Hồng Đăng vô cùng đáng tiếc. Chỉ trong vòng 1 tháng, 3 nhạc sĩ nổi tiếng cùng sinh năm 1936 là Nguyễn Tài Tuệ, Văn Dung, Hồng Đăng đều ra đi. Đây là tổn thất vô cùng to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Một điều đáng tiếc nữa, nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong 5 nhạc sĩ được Hội đồng cơ sở, chuyên ngành cho đến Hội đồng trung ương xét giải thưởng Nhà nước Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, nhạc sĩ chưa kịp nhận được niềm vui về sự ghi nhận của Đảng và nhà nước cho sự nghiệp âm nhạc của mình đã xa rời chúng ta.

Là bạn thân với nhạc sĩ Hồng Đăng mấy chục năm qua, nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam bàng hoàng, xót xa khi người nhạc sĩ tài hoa đã ra đi mãi mãi.

Nhớ lại về người bạn của mình, nhà văn Ngô Thảo xúc động, nhạc sĩ Hồng Đăng là một người hiền lành, tài hoa, hết sức giản dị, chân thành. Từ khi nghỉ hưu, sức khỏe nhạc sĩ yếu đi. Và nhạc sĩ ra đi đã hoàn thành một cuộc đời thật là vẻ vang, thật là đẹp đẽ, ở tuổi “gần đất xa trời” không tránh khỏi mất mát nhưng dẫu sao nhạc sĩ đạt đến đỉnh vinh quang bằng lao động sáng tạo của mình.

Nhạc sĩ Hồng Đăng ra đi nhưng trong lòng nhà văn Ngô Thảo và những người yêu âm nhạc của ông, nhạc sĩ mãi là một người bạn chân tình, thông minh và ấm áp. Nhạc sĩ Hồng Đăng mất đi là nền âm nhạc Việt Nam mất đi một người tài hoa, một người có nhiều sáng tạo, để lại cho đời những giai điệu trường tồn mãi với thời gian….