Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo hội thảo; đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, UV TƯ Đảng, UVUBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội; GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên UVTW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên UVTW Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cùng sự tham gia của khoảng 500 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và văn nghệ sĩ ở 3 điểm cầu Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo hướng đến xác định hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ở điểm cầu chính tại Hà Nội, Hội thảo có sự tham dự của 250 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; Thường trực một số tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương; phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí dự và đưa tin về Hội thảo.
Điểm cầu trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 150 đại biểu đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Thành ủy Cần Thơ, lãnh đạo các ban, sở, ngành, Hội văn học, nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành lân cận; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên tiêu biểu của các trường đại học, học viện thuộc khối văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 100 đại biểu đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, lãnh đạo các ban, sở, ngành, Hội văn học, nghệ thuật của tỉnh Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh, thành lân cận; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên tiêu biểu của các trường đại học, học viện thuộc khối văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Phát biểu tại phiên khai mạc ở điểm cầu chính Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Hội thảo sẽ phân tích làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó. Đặc biệt đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tôi hy vọng, cuộc hội thảo sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra”.
Sau nội dung khai mạc, phát biểu định hướng, Hội thảo được chia thành 2 phiên thảo luận: Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, do GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, điều hành. Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, do GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì, điều hành.
Trong hai phiên thảo luận, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa sẽ trao đổi, nghiên cứu, hướng đến xác định hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đồng thời, các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa; hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Xác định nội dung các giá trị cụ thể trong từng hệ giá trị; những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân thực hiện trong việc sử dụng, giữ gìn, phát huy các hệ giá trị nhằm phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể, để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay.