Kể từ sau khi có kế hoạch di dời, Nhà máy xe lửa Gia Lâm lần đầu nhộn nhịp trở lại nhân Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Di sản công nghiệp chờ giải tỏa được các nghệ sĩ phủ lên một lớp áo mới, biến thành không gian nghệ thuật đáng mơ ước cho người dân đến thưởng ngoạn.

Một di sản công nghiệp gần 100 năm tuổi, nơi sửa chữa, đóng mới những con tàu chạy khắp nơi ở mọi vùng miền của Tổ quốc, bỗng chốc sống lại bởi không gian sáng tạo do những người yêu Hà Nội, yêu di sản xưa cũ tạo nên.

Sau những ấn tượng và thành công từ Lễ hội, các không gian di sản đã để không nhiều năm qua được đánh thức. Không gian các phố bao quanh nhà máy có sự khác biệt đáng kể giữa trước và sau lễ hội, nên không ít người lo ngại và tiếc nuối nếu như khu vực nhà máy xe lửa Gia Lâm lại tiếp tục để không như bao năm qua.

"Giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, văn hoá... những nhà máy ko đơn thuần chỉ đẹp về hình thức, kiến trúc mà nó còn là nhân chứng của một thời kỳ phát triển HĐH, CNH của đất nước và chúng ta không thể lãng quên. Trong khái niệm di sản Việt Nam thì di sản công nghiệp vẫn chưa hoàn toàn được công nhận và những hoạt động như thế này góp phần lớn để giúp mọi người hiểu hơn về giá trị của những công trình công nghiệp". KTS Mai Hưng Trung chia sẻ.

Sự tồn tại lặng lẽ của Nhà máy xe lửa Gia Lâm ít nhiều cũng gợi nhắc cho các thế hệ về sự phát triển, vận động không ngừng của thời gian và lịch sử… Nhất là khi ở Hà Nội ngày càng ít những không gian đủ an toàn và rộng mở dành cho thế hệ trẻ vui chơi.

Bên cạnh đó, việc chuyển các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân Hà Nội, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị, cũng như tạo ra cơ hội phát triển du lịch, thương mại, văn hóa dựa trên di sản công nghiệp.

Vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện, festival ở trong nhà máy cũ như nhà máy xe lửa Gia Lâm hay nhà máy bia Hà Nội. Khi ấy, bức tranh về công nghiệp văn hóa, sáng tạo của thành phố sẽ thay da đổi thịt thực sự, đóng góp cho mục tiêu gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Thủ đô.

Mời nghe bài viết tại đây: