Công nghiệp Văn hóa đang là xu thế phát triển kinh tế mới ở nhiều quốc gia trên thế giới, thu hút lượng lớn lao động (đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ). Tại Việt Nam, lực lượng lao động trong các ngành Công nghiệp Văn hóa hiện nay như thế nào? Tính chất, yêu cầu, triển vọng nghề nghiệp và thu nhập của lao động trong ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam ở đâu so với các ngành khác?

Bên lề Hội thảo khoa học Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam 2016 – 2021, phóng viên VOV2 phỏng vấn chị Trương Uyên Ly, chuyên gia nghiên cứu độc lập, giám đốc doanh nghiệp văn hóa Hanoi Grapevine, qua đó giúp các bạn hình dung tổng quát về bức tranh của lao động trong ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam.

Phóng viên: Xin chào chị Trương Uyên Ly. Thưa chị, trong một báo cáo của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia có thống kê rằng, trong 5 năm qua lực lượng lao động trong các ngành Công nghiệp Văn hóa (CNVH) Việt Nam đang tăng lên. Từ góc độ một doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực lao động đó, chị thấy hiện tượng đó có đúng không?

Trương Uyên Ly: Đúng là như vậy đấy! Ngay bản thân trong doanh nghiệp của mình thôi mình đã thấy hiện tượng đó rồi. Trong 2 năm qua nhân sự công ty mình đã tăng lên gấp đôi, do nhu cầu phát triển cũng như thị trường CNVH ở Việt Nam ngày càng phát triển, nên nhu cầu công việc cũng như các kỹ năng trong ngành này cũng nhiều hơn. Các bạn trẻ bây giờ cũng có nhu cầu chuyển dịch và thích làm việc trong các ngành CNVH vì ngành này đem lại sự thỏa mãn về tinh thần, sự sáng tạo cũng như cảm giác được đóng góp và mang lại giá trị cho xã hội, cộng đồng. Đây là một ngành yêu cầu các kỹ năng và đem lại sự thỏa mãn lớn cho các bạn trẻ.

Phóng viên: Theo chị một bạn trẻ muốn tham gia vào các ngành CNVH đòi hỏi những kỹ năng gì?

Trương Uyên Ly: Một bạn trẻ muốn tham gia vào ngành CNVH theo mình trước tiên các bạn ấy cần có nhu cầu về sáng tạo và được tự do thể hiện sự sáng tạo của bản thân. Thứ hai các bạn cần có tính kỷ luật. Vì làm trong ngành sáng tạo không có nghĩa là bạn được tự do hoàn toàn, bạn phải biết làm việc nhóm, hợp tác với người khác để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo. Thứ ba là ý thức được đóng góp và tạo ra các giá trị xã hội. Bởi vì bản chất của làm văn hóa và các doanh nghiệp văn hóa là đem lại những giá trị về văn hóa nghệ thuật cho nhiều người, nếu bạn chỉ nghĩ đến việc làm lợi cho bạn thì bạn không nên tham gia ngành này. Hãy nghĩ rằng, nghệ thuật văn hóa là dành cho mọi người và cố gắng đem lại giá trị cho mọi người càng nhiều càng tốt.

Phóng viên: Việt Nam đang xuất hiện lực lượng lao động mới – các bạn trẻ Gen Z. Theo chị thì một thế hệ các bạn có tư duy bùng nổ, khả năng sáng tạo và rất khác so với các thế hệ trước như thế thì có sự phù hợp như thế nào khi tham gia vào các ngành CNVH sáng tạo?

Trương Uyên Ly: Các bạn Gen Z rất thông minh, chịu khó học hỏi, khả năng tự học của các bạn ấy rất tốt, và quan trọng là biết cái gì mình muốn mình thích. Nhưng đồng thời các bạn ấy cũng có tính bất ổn, bất an, thích dịch chuyển, thích thay đổi và cũng có sự mong manh nhất định về mặt lựa chọn, bởi vì cuộc sống hiện giờ có quá nhiều thứ tác động buộc các bạn ý phải liên tục đưa ra sự lựa chọn.

Mình nghĩ rằng, Gen Z cứ trải nghiệm đi đã! Văn hóa nghệ thuật là ngành cho phép các bạn trải nghiệm chính những gì các bạn tạo ra, các bạn vừa là khán giả vừa là người sáng tạo ra sản phẩm của mình. Nếu bạn cảm thấy mình thực sự phù hợp, mình đang sống với văn hóa nghệ thuật và không thể thiếu nó được, văn hóa nghệ thuật là một lối sống hay một giá trị cuộc đời mà mình đang theo đuổi thì tôi tin rằng ngành này sẽ rất phù hợp với các bạn.

Phóng viên: Thế còn thu nhập của lao động trong ngành CNVH thì sao?

Trương Uyên Ly: Thu nhập trong ngành CNVH nói chung – theo như trải nghiệm và cảm nhận của tôi ở Việt Nam - thì đang khá thấp so với các ngành khác. Nhưng trong ngành CNVH thì lại có những ngành đem lại thu nhập cao hơn với các ngành còn lại, những ngành thu nhập còn thấp là do mức độ phát triển của thị trường còn thấp. Các ngành đem lại thu nhập cao như: quảng cáo – marketing – chiến lược phát triển thương hiệu, phát triển phần mềm hay công nghệ số... những lĩnh vực đang phát triển nhanh. Các lĩnh vực có tiềm năng nhưng thu nhập vẫn thấp là những người làm trong các gallery nghệ thuật, các không gian văn hóa sáng tạo... cần rất nhiều kỹ năng nhưng thu nhập lệ thuộc vào các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hoặc doanh nghiệp. Đấy là bức tranh chung về thu nhập. Nếu các bạn vẫn muốn hướng đến tiền đồ và thu nhập cao thì nên hướng vào những ngành có yếu tố thị trường như tôi đã nói là marketing, quảng cáo.

Phóng viên: Với hiện trạng của thị trường văn hóa Việt Nam hiện nay thì việc duy trì sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp văn hóa, theo chị có khó lắm không?

Trương Uyên Ly: Chắc chắn là sẽ tồn tại và phát triển tốt hơn, vì đây là xu thế kinh tế toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam (Việt Nam mới đang bắt đầu chuyển dịch thôi, và đi sau các nước phát triển khoảng 20 năm). Chắc chắn xu thế này vẫn tiếp diễn và các bạn trẻ sẽ có cơ hội làm việc trong ngành này trong tương lai.

Bây giờ sẽ rất tốt nếu các bạn nhìn ra xu thế đấy và biết chuẩn bị cho mình những kỹ năng và kiến thức để làm chủ. Bởi vì trong thế giới mới ngày nay chúng ta sẽ khó có thể đi làm thuê mãi, nếu chỉ có suy nghĩ đi làm thuê trong ngành sáng tạo thì rất khó. Nếu các bạn xác định làm trong ngành này thì cần có suy nghĩ mình phải tạo ra giá trị và làm chủ chính công việc của mình.

Phóng viên: Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi!