Lễ hội truyền thống đình Hà (làng Dịch Vọng Trung thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, HN) được tổ chức để tưởng nhớ ngày Đức Thành hoàng làng Triệu Chí Thành hóa về trời (12/8 âm lịch). Đây là một trong những lễ hội truyền thống giàu ý nghĩa của phường Dịch Vọng cũng như của quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Phát biểu tại buổi khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Việt Trung, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng cho biết, cụm di tích đình - chùa Hà chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử. Đình Hà nằm ngay sát cạnh chùa Hà, một ngôi chùa cổ, được xây dựng bởi tiền công đức từ thời vua Lý Nhân Tông (1054 – 1072). Chùa có tên tự là Thánh Đức Tự. Chùa Hà cùng với Đình Hà kết lại tạo thành một cụm di tích có tên gọi là Đình - Chùa Hà. Nơi đây nổi tiếng linh ứng với nhiều câu chuyện, huyền thoại gắn liền với lịch sử dân tộc.

Theo Thần phả và các tài liệu được lưu giữ tại đình, đình Bối Hà (nay gọi là đình Hà) thờ thành hoàng Đại vương Triệu Chí Thành. Triệu Chí Thành là con của ông Triệu Xương và bà Lý Thị Thích, người Chu Diên, trang Thái Bình (nay là huyện Mê Linh, Hà Nội), là một trong những tướng tài của vua Triệu Việt Vương, có công cùng với vua đánh đuổi giặc Lương đại bại chạy về Bắc quốc năm 550.

Đình Hà được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh, với vị trí đặc biệt nằm ở cửa ngõ phía Tây của thành Thăng Long xưa, một vùng đất có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước. Đình Hà là nơi bảo lưu, giữ gìn những di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của nhân dân.

Không chỉ gắn với các câu chuyện lịch sử xưa từ thời chống giặc Lương, đình – chùa Hà còn là di tích cách mạng gắn liền với những ngày đầu chuẩn bị khởi nghĩa. Theo lịch sử ghi lại, những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, các đồng chí Nguyễn Khang (Uỷ viên thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ), Nguyễn Quyết (Bí thư Thành Uỷ Hà Nội), Trần Quang Huy (phụ trách công vận Xứ uỷ)… thường đi lại ăn, ở hội họp ở một số gia đình trong làng Vòng. Tháng 6-1945, Thành uỷ tổ chức lớp huấn luyện cho cán bộ thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu với danh nghĩa Hướng đạo sinh cắm trại ở cánh đồng chùa Hà. Ngày 15-8-1945, Bí thư thành uỷ Nguyễn Quyết trụ trì cuộc họp cán bộ vũ trang và truyên truyền của thành phố ở đình, chùa Hà. Đêm 16 và 17-8-1945 Thành uỷ họp mở rộng tại nhà bà Hai Nhã (thôn tiền) bàn chủ trương giành chính quyền quyết định khởi nghĩa 19-8-1945.

Lễ hội đình Hà năm nay được phục dựng lại lễ rước kiệu cùng nhiều hoạt động phong phú. Phần lễ được tổ chức trang trọng theo đúng các nghi thức cổ truyền. Phần hội đã khôi phục và bảo tồn được nhiều trò chơi, hoạt động văn hoá dân gian như: kéo co, đập niêu, ném vòng cổ chai, cờ tướng... tạo không khí phấn khởi, vui tươi, lành mạnh trong nhân dân.

Bà Phan Thị Thúy Nga, một người dân ở tổ 8, phường Dịch Vọng bày tỏ: “Tôi cũng như nhiều người dân ở đây thật sự rất tự hào và xúc động khi được tham dự lễ hội đình Hà năm nay. Chúng tôi mãi biết ơn vị Thành hoàng làng xưa đã luôn chở che, phù hộ cho dân làng. Được tham gia lễ hội của làng giúp người dân chúng tôi, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử, về truyền thống của cha ông mình. Tôi mong ngày càng có nhiều lễ hội ý nghĩa được tổ chức”.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, với lòng tôn kính các bậc tiền nhân, các di tích lịch sử của làng Vòng cổ, nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã được các cấp chính quyền quan tâm tu bổ di tích, bảo vệ di sản, sinh hoạt tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân. Đình Hà đã được Quận, Phường đầu tư tôn tạo, tu bổ lớn vào các năm 1998, 2014, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 16/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội. Lễ hội đình Hà được tổ chức là một cách sinh động, hữu hiệu để bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích, văn hóa phi vật thể cho muôn đời con cháu mai sau.