Theo truyền thống của đồng bào Mường ở tỉnh Hòa Bình, thông thường khi lúa đã thu hoạch, vụ mùa hoàn tất, đồng bào sẽ tiến hành lễ Mát nhà. Đây là một nghi lễ quan trọng của người Mường để xua đuổi hóa giải những điều xấu, cầu cho con người luôn luôn mạnh khỏe, cây trồng, vật nuôi trong gia đình, mọi điều tốt tươi, may mắn.

Lễ Mát nhà của người Mường thường được thực hiện bởi thầy mo, người đóng vai trò kết nối giữa thần linh và con người. Thầy mo Bùi Văn Minh, ở xóm Mận, xã Vân Sơn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết: Lễ Mát nhà các gia đình đón thầy Mo đến nhà. Thầy mo sẽ mời một ông tổ Mo có nghĩa là ông Khun Khùn Giọt xuống và mời thành hoàng bản thổ, thổ công, thổ địa, vua bếp và tất cả thánh thần và thánh thư của thầy về, mời các ngài ăn mâm cơm lễ và thu những cái xấu đi. Như thế là mình sẽ mát nhà theo để gia đình mạnh khỏe, con cháu sức khỏe dồi dào, hay ăn chóng lớn và công việc, mùa màng thuận lợi, may mắn.

Mâm lễ cúng Mát nhà gồm nhiều lễ vật như: xôi 4 màu, thịt gà, cá nướng, một con vịt luộc chín để nguyên cùng với các loại bánh trái truyền thống của người Mường. Vì sao trong mâm lễ nhất thiết phải có một con vịt luộc để nguyên con? “Con vịt người Mường gọi là con phượng, là biểu tượng được cử lên mường trời để mời ông Khun Khùn Giọt xuống. Ông Khun Khùn Giọt của người Mường là ông thần bảo vệ nông nghiệp. Con vịt không được chặt để trống cổ, thịt ra, luộc chín nhưng để nguyên con để liên kết với người âm” - Thầy Mo Bùi Văn Minh giải thích về sự đặc biệt này.

Xôi 4 màu cũng là một trong những vật phẩm không thể thiếu trong mâm lễ cúng Mát nhà. Bà Bùi Thị Hạnh ở Lạc Sơn, Hòa Bình nhấn mạnh về ý nghĩa của món xôi 4 màu: “Xôi cúng lễ Mát nhà phải có 4 màu là trắng, đỏ, tím và xanh. Màu tím là tượng trưng cho sự thủy chung của trai gái đất Mường, màu đỏ tượng trưng cho mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu để làm ra hạt gạo đó, màu trắng là màu của đất trời và màu xanh là màu của hòa bình”.

Trong lễ Mát nhà của người Mường, ngoài các lễ vật do gia đình hoặc cộng đồng xóm làng sắm sửa ra thì trong quá trình hành lễ, thầy Mo còn có các dụng cụ cần thiết khác để thỉnh cầu các thần về. Những dụng cụ đó được các thầy cho vào một chiếc túi vải thổ cẩm và luôn đeo bên mình khi đi cúng, gọi là túi Khót: “Không có túi khót không làm được thầy mo, thầy càng nhiều khót thì uy tín càng cao. Vì khót là các đời của ông cha để lại ví dụ như rìu đá, viên đá lạ người ta nhặt được gọi là khót. Đầu tiên đi làm lễ là người ta phải dỡ khót, tượng trưng cho lấy những linh hồn của vật tế lễ. Người Mường tục thờ bằng đá để mình dỡ khót đi làm cúng vía hoặc đi làm việc gì cho nó may mắn, hai nữa là giao tiếp với người âm" - Thầy mo Bùi Văn Minh nhấn mạnh.

Trong cộng đồng người Mường, thầy Mo rất được kính trọng. Họ là những người có kiến thức tương đối sâu rộng và ít nhiều tích lũy được những bí quyết thần bí mà người xưa truyền lại. Chính vì vậy thầy Mo là người mang trọng trách thực hiện một số nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng trong cộng đồng. Để thực hiện cúng lễ Mát nhà, ngoài túi Khót thì thầy Mo cũng phải có bộ trang phục riêng như chia sẻ của thầy mo Bùi Văn Minh: “Trang phục của thầy mo lễ Mát nhà là không đội mũ có sừng, mũ có sừng như 2 sừng bò đấy là mũ mo cho người mất. Đặc biệt là thầy mo phải mặc áo đen không được mặc áo khác, đầu đội mũ đỏ, còn lưng phải thắt đai vàng hoặc đai tím.

Lễ cúng được bắt đầu tại nơi cửa sổ chính của ngôi nhà, thầy mo sẽ ngồi tại vị trí giành cho những người có chức vụ cao nhất trong nhà. Để lễ Mát nhà được theo đúng ý nguyện, thầy mo mời thần hoàng bàn thổ, thổ công bản địa, sau đó mới thỉnh các vị thần thánh anh em, hay còn gọi là các vị thần nông nghiệp từ Mường Trời về. Nghi lễ có ý nghĩa mở tiệc dâng các ngài, sau đó sẽ giúp đỡ xua đuổi tà ma, bắt đi những điều xấu, phù hộ cho gia chủ làm ăn khấm khá, con cháu khỏe mạnh. Tiếp theo sau đó, thầy mo mời các đấng bề trên thụ hưởng lễ vật, thưởng thức rượu cần của dân tộc Mường. Sau khi các vị thần hưởng lễ vật, thầy mo xin âm dương, nhằm cầu mong các vị thần thánh phù hộ cho đất Mường được bình an, mưa thuận gió hòa.

Cũng như nhiều đồng bào Mường khác, với niềm tự hào về truyền thống của dân tộc mình, dù bận rộn thế nào thì chị Bùi Thị Mơ xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đều cố gắng thu xếp để có mặt trong buổi lễ Mát nhà. Gia đình chị Bùi Thị Huyền ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc cũng vậy, mỗi khi tổ chức lễ Mát nhà thì phải có đầy đủ các thành viên trong nhà tham gia: “Là một người con đất Mường tôi rất là tự hào khi có nghi lễ Mát nhà. Nghi lễ vẫn duy trì và những người sống xa quê đến ngày đấy vẫn trở về để tham gia, cầu mong một năm mới mọi sự như ý” - chị Huyền bày tỏ.

Tự hào vì người Mường có những nghi lễ độc đáo nên mỗi dịp đầu xuân năm mới ai ai cũng hồ hởi dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh làng bản, chuẩn bị cho mình một tâm thế thanh tịnh nhất đón lễ Mát nhà. Sau lễ, tình cảm gia đình thêm gắn bó, tình bản nghĩa mường thêm khăng khít, ai ai cũng có một niềm hứng khởi mới cùng những hy vọng vào một năm mới tốt đẹp hơn.

Lễ Mát nhà là 1 trong 23 nghi lễ truyền thống của người Mường. Trải qua bao thế hệ, đến nay nghi lễ vẫn được các thế hệ gìn giữ và lưu truyền, trở thành nét đẹp văn hóa của người Mường, mang tính nhân văn cao cả với một niềm tin ngôi nhà mãi mãi được bình yên.

Mời nghe âm thanh tại đây: