Đồng bào dân tộc Chơ Ro trên toàn quốc có hơn 29.000 người, sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lễ hội Sayangva còn gọi là cúng thần Lúa hay là Mừng lúa mới là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Chơ ro. Ông Trần Văn Trí, Trưởng Phòng nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, một thành viên nghiên cứu đề án bảo tồn và phát huy giá trị lễ Sayangva cho biết đây là lễ hội lớn nhất của cộng đồng bào để tạ ơn ông bà, tổ tiên và các vị thần của người Chơ-ro. Lễ hội thể hiện rõ nét mối giao hòa, gắn bó giữa con người và thiên nhiên, với ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trước đây lễ Sayangva thường được tổ chức trong 7 ngày 7 đêm, nhưng do những thay đổi cho phù hợp với đời sống và sự phát triển của xã hội, ngày nay lễ này được rút ngắn còn 1 ngày 1 đêm. Người Chơ Ro có tín ngưỡng vạn vật hữu linh nên tôn thờ rất nhiều Thần linh như: Thần Lúa (Yang Va), Thần Nhà (Yang Nhi), Thần Rừng (Yang Bri), Thần Suối (Yang Dal), Thần Rẫy (Yang Re), Thần Ruộng (Yang Mơ)...

Là lễ hội quan trọng nhất trong năm nên người Chơ Ro chuẩn bị cho lễ cúng Thần Lúa rất chu đáo. Để lễ cúng diễn ra tốt đẹp, công tác chuẩn bị rất cần thiết, bà con Chơ Ro chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu thu hoạch lúa đến mua sắm lễ vật.

Một trong những đặc trưng của Lễ hội mừng lúa mới là dựng cây nêu. Theo quan niệm của người Chơ Ro, cây nêu được xem là cây thông thiên, thể hiện mối giao hòa, kết nối giữa con người với thần linh. Nếu không có cây nêu thì những lời ước nguyện, mong cầu của đồng bào không đến được với thần linh. Cây nêu được dựng ở chính giữa sân nhà cộng đồng, là nơi để thần linh về dự lễ sau khi già làng khấn mời. Trên cùng của cây nêu có hình bông lúa to. Xung quanh cây nêu có gắn lông chim chèo bẻo và lông gà. Đây là những biểu tượng cho sức mạnh, sự khôn khéo cùng sự sung túc, ấm no cho buôn làng. Phần gốc cây là nơi để buộc các con vật hiến tế như gà, lợn cùng các hũ rượu.

Khi việc dựng cây nêu hoàn tất, lễ vật được chuẩn bị xong, người Chơ Ro tiến hành cúng thần Lúa. Trước tiên, người Chơ Ro tổ chức một đoàn người lên rẫy rước hồn lúa về để làm lễ. Những người thực hiện việc này là phụ nữ đã có chồng, ngoài 40 tuổi bởi người Chơ Ro theo chế độ mẫu hệ, tất cả mọi việc quan trọng đều do phụ nữ quyết định. Tuy nhiên, chủ lễ trong ngày cúng là nam giới. Mừng đón đoàn rước hồn lúa về, đồng bào Chơ Ro hân hoan với màn hòa tấu cồng chiêng rộn rã, ngân vang. Đây là thời khắc quan trọng khi Thần Lúa được rước về làng.

Trong buổi lễ, chủ lễ tiến hành khấn tổ tiên cùng các vị Thần về chứng giám lòng thành của bà con, đồng thời gửi lời cảm ơn đến Thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho buôn làng trong năm qua được bình yên, mùa màng tốt tươi, mong muốn các thần linh tiếp tục phù trợ.

Sau nghi thức lễ là phần hội. Người Chơ Ro tập trung quanh gốc nêu cùng thanh âm tươi vui, rộn ràng của cồng chiêng, đàn tre, đàn môi. Lúc này, đồng bào Chơ Ro cùng nhau múa những điệu múa truyền thống, đi vòng tròn quanh cây nêu.

Lễ hội Sayangva, mừng lúa mới luôn mang một ý nghĩa tinh thần lớn lao với cộng đồng người Chơ Ro. Lễ hội là mối giao hòa, gắn bó giữa con người với thiên nhiên, tăng cường mối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như cùng nhau giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc.

Mời nghe nội dung bài viết tại đây: