Luật Điện ảnh (sửa đổi) được thông qua với số phiếu cao

Với 449/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiều 15/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Trước khi thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) được thông qua gồm 8 chương, 50 điều được đánh giá là có nhiều điểm mới sau nhiều lần tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung. Luật Điện ảnh (sửa đổi) là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. Ví dụ như các nội dung về công nghiệp điện ảnh, phổ biến phim trên không gian mạng, nội dung quy định về hợp tác điện ảnh với nước ngoài hay chính sách hậu kiểm, phân loại phim...

Những vấn đề cơ bản của Luật bao gồm: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; công tác quản lý nhà nước về điện ảnh, đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp giấy phép; phân loại phim; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh; hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phát hành phim; phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim; phổ biến phim trên hệ thống truyền hình; phổ biến phim trên không gian mạng; phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; lưu chiểu, lưu trữ phim; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…

Kỳ vọng sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực

Bày tỏ kỳ vọng về Luật Điện ảnh (sửa đổi), ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế sáng tạo, sử dụng các tài năng của các nghệ sĩ kết hợp với vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các tác phẩm điện ảnh. Ông cũng cho rằng, Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được xây dựng phù hợp hơn với cách quan niệm mới trong bối cảnh xã hội mới.

Đặt niềm tin điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển như Hàn Quốc trong tương lai không xa, đại biểu Bùi Hoài Sơn bày tỏ: “Tôi có một kỳ vọng sâu sắc rằng Luật điện ảnh sửa đổi lần này sẽ tạo điều kiện để chúng ta giải quyết những bất cập đã cản trở sự phát triển điện ảnh Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như tạo điều kiện để điện ảnh quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Với Luật Điện ảnh mới, chúng ta sẽ có một nền điện ảnh phát triển, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.”- PGS TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ kỳ vọng Luật Điện ảnh (sửa đổi) với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ cụ thể và khả thi hơn, tránh được tình trạng "Luật ống, Luật khung" và khi ban hành sẽ tạo điều kiện, cơ chế, khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp điện ảnh, sáng tạo được nhiều tác phẩm giá trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng hội nhập quốc tế.

Có thể nói, mặc dù là luật sửa đổi và trong quá trình thảo luận còn rất nhiều ý kiến khác nhau, song với quy mô sửa và bổ sung nhiều các chính sách mới liên quan đến các mảng, lĩnh vực cốt yếu của điện ảnh Việt Nam, với tinh thần xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện của các đại biểu Quốc hội, Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 này sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển. Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.