Lục Ngạn là huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 40km. Địa hình của Lục Ngạn đa dạng đan xen giữa đồi núi thấp và núi cao, nhiều hồ đập, khí hậu ôn hòa, thuận lợi để phát triển vùng cây ăn quả nổi tiếng trong và ngoài nước.

Theo ông La Văn Nam - Phó Bí thư trường trực huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Từ tháng 1 đến tháng 3 có các cánh đồng hoa mận, hoa đào, hoa cam, vải thiều, cam và táo; tháng 3 ngắm hoa vải hoa nhãn và trải nghiệm quay mật ong, thưởng thức đặc sản trứng kiến, măng rừng; tháng 5,6 có vải chín, nho, ổi; tháng 7,8 có nhãn, thanh long; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối… Với riêng vải thiều, Lục Ngạn là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước với khoảng 16.000 héc-ta và cơ bản đều được trồng theo hướng an toàn, có chỉ dẫn địa lý, được bảo hộ thương hiệu…

Cùng với đó, vùng đất Lục Ngạn giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như: Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chỉ, Cao Lan, Dao, Hoa… Nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hoá phi vật thể như hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn, dân ca Sán Chí… Cùng với giá trị đặc sắc về văn hóa, Lục Ngạn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, hồ làng Thum, suối Tà Cang… nhiều di tích được xếp hạng, tiêu biểu phải kể đến di tích quốc gia chùa Am Vãi, đền Hả.

Không những thế, ẩm thực của người dân Lục Ngạn rất đặc sắc, có nhiều món ăn ngon đặc trưng theo mùa, theo vùng với hương vị riêng, là đặc sản nổi tiếng. Những lợi thế trên là điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút khách tham quan, trải nghiệm quanh năm, trải rộng tại các địa phương trong toàn huyện.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, Phó Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô cho rằng, với những tiềm năng được thiên nhiên ban tặng và thế mạnh về nông nghiệp, huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung có thể trở thành trung tâm du lịch mới của Việt Nam, thậm chí tạo được dấu ấn quốc tế nếu được đầu tư bài bản, xứng tầm. Muốn như vậy, bên cạnh việc giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên, môi trường, tỉnh và huyện cần mời gọi các nhà đầu tư tới phát triển các dịch vụ khai thác trên mặt nước như chèo thuyền kaya, bể bơi nổi… để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Hồng Thu – Phó Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam, dù Lục Ngạn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục: Đội ngũ nhân lực thiếu và yếu dẫn đến quy cách phục vụ còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp để có thể đón được những đoàn khách lớn; thiếu cơ sở lưu trú, dịch vụ dành cho du khách chưa đạt. “Huyện Lục Ngạn cần kêu gọi đầu tư để phát triển cơ sở lưu trú, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đẩy mạnh dịch vụ vui chơi giải trí để tăng thêm trải nghiệm cho khách du lịch. Đặc biệt, bài toán nhân lực cũng cần được quan tâm nhiều hơn thì mới có thể đưa du lịch Lục Ngạn nói riêng, Bắc Giang nói chung bứt phá” - Bà Phạm Hồng Thu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với bà Thu về chất và lượng đội ngũ nhân lực du lịch Bắc Giang, ông Lê Văn Tiến - Giám đốc Làng Văn hóa Đông Bắc, Bắc Giang chia sẻ thực tế tại đơn vị: "Sau hơn 2 tháng mở lại sau đợt Covid-19 lần thứ 4, Làng Văn hóa Đông Bắc đã đón hơn 20.000 lượt du khách, thực khách đến tham quan, chụp ảnh, trong đó 60% khách ở trong huyện. Hiện nay, nhân sự làm du lịch ở Lục Ngạn vừa thiếu, vừa yếu. Đơn cử, chúng tôi cần tuyển nhân sự cho một số vị trí, qua phỏng vấn hàng trăm người, chúng tôi chỉ tuyển được vài nhân viên nhưng về cơ bản vẫn phải đào tạo lại vì hầu hết họ chưa có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn thấp”. Vì thế, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cần mở nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo nhân sự làm du lịch trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Đức Thuận – Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, tiềm năng thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch 4 mùa cây ăn trái của Lục Ngạn rất lớn, nhưng để phát triển du lịch thì vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu là giao thông. Giao thông từ thành phố Bắc Giang lên Lục Ngạn chưa thuận lợi, đường đi xấu, mùa vải thì hay tắc đường do nhiều xe ô tô to đến chở hàng, mà giao thông lại là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch, nhất là đường liên xã, liên huyện, đến các điểm du lịch. Bên cạnh đó, Lục Ngạn cũng cần có bãi để xe, quy hoạch giao thông cho thuận tiện hơn, liên kết tour, tuyến với các địa phương trong tỉnh và các điểm du lịch ở tỉnh khác… để đón khách du lịch.